Ia Chim là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng. Những năm gần đây, cấp ủy và chính quyền xã luôn quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Các đoàn thể đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, phần lớn đồng bào dân tộc trên địa bàn xã đã có chuyển biến về nhận thức, có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.
Liên kết sản xuất, chuyển đổi cây trồng
Nổi bật nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi”, “Nông dân liên kết phát triển kinh tế” đã được nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số hưởng ứng, tạo ra các mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp, trồng trọt, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây dược liệu hay trồng rừng... có hiệu quả cao.
Tiêu biểu là mô hình Tổ hợp tác (THT) Phụ nữ dân tộc thiểu số trồng cây ăn quả thôn Plei Sar (xã Ia Chim) đã được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho 30 thành viên.
Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh cấp cây giống cho thành viên THT Phụ nữ dân tộc thiểu số trồng cây ăn quả thôn Plei Sar. |
Đến nay, THT đang trồng 525 cây bơ, 525 cây sầu riêng, giá trị kinh tế đạt trên 200 triệu đồng/ha. Ngoài ra, thành viên còn kết hợp trồng rau màu, chăn nuôi để gia tăng giá trị kinh tế.
Việc thành lập THT đang giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số thôn Plei Sar nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; tích cực tham gia THT để phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Plei Sar cũng đã có cuộc sống đổi thay nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chuối tiêu hồng.
Trước đây, người dân chỉ quen cấy lúa, trồng mì trong vườn, trên rẫy. Đây là nguồn thu nhập chính nhưng hiệu quả không cao, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số cứ khó khăn mãi. Thực hiện chủ trương của xã triển khai mô hình trồng chuối tiêu hồng, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi, đến nay mô hình đang phát triển nhanh, hứa hẹn kết quả khả quan.
Hiện, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thôn Plei Sar trồng khoảng 19ha chuối tiêu hồng và thành lập THT chuối tiêu hồng Plei Sar, thu hút 90 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Thành viên THT đã được xã tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn ưu đãi, liên kết với doanh nghiệp Bắc Tây Nguyên Farm để thu mua sản phẩm.
Theo đánh giá của UBND xã Ia Chim, đây là mô hình phát triển kinh tế giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo, thay đổi nếp nghĩ cách làm trong sản xuất kinh doanh. Trong thời gian tới, xã sẽ tạo điều kiện cho các hộ trong THT tiếp cận và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng diện tích đi đôi với xây dựng thương hiệu “Chuối tiêu hồng Plei Sar” .
Có thể thấy, những mô hình liên kết sản xuất đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn xã Ia Chim. Những mô hình này không chỉ giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững, mà còn góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt của các thôn làng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương giàu mạnh.
Ông A Khoan (thôn Plei Sar, xã Ia Chim) cho biết, trước đây, bà con trồng cây mì, cây lúa nhưng không mang lại kinh tế cao. Hiện nay, có chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa, ông và các hộ khác đã được chính quyền vận động chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là trồng cây chuối theo mô hình kinh tế tập thể. Mỗi năm, thu nhập gia đình ông có thu nhập 70-80 triệu đồng.
Nâng chất nông thôn mới
Phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa là một trong những giải pháp giúp xã Ia Chim nâng cao cơ sở vật chất và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, xã đã có những con đường bê tông phẳng phiu, rộng rãi thay cho những con đường đầy "ổ trâu ổ gà", khúc khuỷu, mưa lầy nắng bụi trước đây. Theo người dân trong xã, những năm trước, mùa tiếp mùa, năm nối năm, người dân phải bấm bầm ngón chân trên con đường đất ấy để ra khu sản xuất và cũng phải trầy trật mới đem được hạt lúa, hạt bắp về nhà.
Tuy nhiên, từ khi có chủ trương liên kết sản xuất, chính quyền đã hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng cơ sở hạ tầng. Còn người dân sau khi phát triển kinh tế hiệu quả cũng góp công, góp đất cùng địa phương làm đường, làm trường, xây trạm y tế...
Bây giờ, bà con ra đồng nhàn hơn bởi máy móc thay thế sức người, kênh mương ăm ắp nước và cũng được bê tông hóa. Vẫn ở trên cánh đồng ấy, cũng mảnh ruộng ấy, nay đã thay thành những vườn chuối, cây ăn quả xanh mướt. Và nụ cười của đồng bào dân tộc thiểu số xã Ia Chim ngày càng tươi hơn.
“Chúng tôi có thể chạy xe tới bờ ruộng, không còn ngã lên ngã xuống. Nông sản cũng có tổ hợp tác, HTX đứng ra thu mua nên đỡ khổ hơn nhiều. Ai cũng cảm thấy gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn", anh A B Líu, thôn Plei Sar cho biết.
Những thành quả của người dân chính là nền tảng để xã Ia Chim nhanh chóng về đích nông thôn mới. Hiện nay, Ia Chim đang huy động sức mạnh của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc nâng chất nông thôn mới.
Những con đường mới tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. |
Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim, ông Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ: "Đạt chuẩn nông thôn mới là niềm tự hào lớn lao, là kết quả của một quá trình nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền và nhân dân cũng hiểu rằng, đạt chuẩn đã khó, giữ chuẩn còn khó hơn, chưa nói tới nâng cao".
Để giữ vững các tiêu chí quan trọng như thu nhập, nhà ở, giảm nghèo, tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa..., hàng năm, xã Ia Chim đều xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, xã luôn vận động, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào trồng trọt. Hiện, hầu hết các diện tích trồng cây ăn quả của xã đã được ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, áp dụng kỹ thuật chăm sóc tiến tiến để nâng cao năng suất. Cách làm này đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số xã Ia Chim thích ứng xu thế sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Để nâng cao các tiêu chí nông thôn mới và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xã Ia Chim sẽ tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế tập thể, bảo đảm 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi để nâng cao mức sống.
Tùng Lâm
Bài2: Trù phú những vườn cây ăn trái