Sinh ra từ làng, hiểu được nỗi vất vả, khó nhọc của người dân miền núi hàng ngày chỉ biết làm bạn với chiếc cày, chiếc cuốc, đeo dao lên rừng mới có cái ăn, cái mặc. Trước những hạn chế này, chị Nông Thị Biệt, sinh năm 1976, dân tộc Tày đã nỗ lực, tự tìm tòi kiến thức, mạnh dạn thành lập và trở thành giám đốc HTX Minh Anh, phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn) chuyên trồng nấm sạch.
Xây dựng thành công 06 sản phẩm đạt OCOP 3 sao
Hiện nay, Hợp tác xã Minh Anh, phường Xuất Hóa có 12 thành viên chính thức và 16 thành viên liên kết. Việc thành lập HTX vừa giúp gia đình chị Biệt có thu nhập ổn định, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Chị Nông Thị Biệt giới thiệu quy trình trồng nấm sạch. |
Chị Biệt chia sẻ, trồng nấm không khó nhưng điều quan trọng nhất là người trồng phải nắm vững kỹ thuật và siêng lao động. Nhất là lưu ý thời điểm cấy nấm và chế độ chăm sóc phải phù hợp từng mùa trong năm.
Nguyên liệu trồng nấm của xưởng khá đa dạng, là các phụ phẩm Nông – Lâm nghiệp tự nhiên như: mùn cưa và các loại cây thân gỗ… Ngoài trồng các loại nấm truyền thống, HTX phát triển thêm một số loại nấm mới mang thương hiệu HTX như: Mộc Nhĩ Minh Anh thái chỉ, Bonsai Linh Chi Minh Anh, Trà túi lọc Linh Chi Minh Anh…
Nhờ sự nỗ lực, chị Biệt xây dựng thành công 06 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Nấm Sò tươi Minh Anh, Nấm Mộc Nhĩ khô, Mộc Nhĩ Minh Anh thái chỉ, Nấm Linh Chi nguyên tai, Bonsai Linh Chi Minh Anh, Trà túi lọc Linh Chi Minh Anh. Sản xuất sạch, được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh nên đầu ra cho sản phẩm khá tốt. Ngoài cung cấp cho người dân địa phương, các đại lý tiêu thụ sản phẩm OCOP Bắc Kạn, HTX Minh Anh còn cung cấp cho các đại lý ngoài tỉnh như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng yên, Thái Nguyên, Yên Bái…
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng HTX vẫn duy trì doanh thu trồng nấm đạt 1,5 tỷ đồng, thu nhập của mỗi thành viên đạt từ 3,5 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Điểm tựa để phụ nữ khởi nghiệp
Ngoài tập trung sản xuất, chị Biệt còn tham gia hướng dẫn đào tạo nghề, chuyển giao về kỹ thuật nuôi trồng nấm cho người dân, chị em phụ nữ và các đối tượng khó khăn phát triển kinh tế. Trong số 03 lớp giảng dạy, có 02 lớp đào tạo nghề dành cho 60 học viên tại Cơ sở cai nghiện tỉnh Bắc Kạn về kỹ thuật nuôi trồng và chăm sóc nấm ăn. Tại các lớp, chị Biệt rất tâm đắc, truyền đạt kinh nghiệm để làm hành trang cho những học viên sau khi tái hòa nhập cộng đồng áp dụng vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, chị Biệt còn cử các kỹ thuật viên cùng tham gia giảng dạy kỹ thuật nuôi trồng nấm ăn cho Làng Thanh Niên lập nghiệp tại xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể; học sinh, sinh viên trường Cao đẳng nghề Bắc Kạn; hướng dẫn hộ gia đình bà Lục Thị Đối, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn có nghề thành thạo và cho thu nhập khá; trung chuyển các loại nguyên vật liệu và giống nấm, bán 02 vạn phôi bịch nấm theo nhu cầu...
Chị Nông Thị Biệt, Giám đốc HTX Minh Anh chăm sóc nấm linh chi. |
Bà Vũ Thị Kim Quỳnh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn cho biết, chị Biệt là người dám nghĩ, dám làm, đặc biệt rất ham học hỏi, tự giác nghiên cứu nên đã thành công với mô hình kinh tế hợp tác xã tại địa phương.
“Qua mô hình HTX trồng nấm của chị Biệt, rất nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ của thành phố Bắc Kạn nói riêng, phụ nữ dân tộc tỉnh Bắc Kạn nói chung được tham quan, học tập kinh nghiệm”, chị Kim Quỳnh nói.
Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn, hiện có hơn 10 chị là người dân tộc thiểu số đang quản lý các HTX và hơn 20 nữ giám đốc các doanh nghiệp vừa và nhỏ như nhà hàng, khách sạn, công ty kinh doanh vật liệu, vật tư sản xuất… Lĩnh vực chủ yếu được chị em lựa chọn là sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm sản đặc sản địa phương.
Đây cũng đang là hướng đi bền vững mà tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng thông qua chương trình mỗi xã phường một sản phẩm. Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, sự kiên trì và cũng đầy nhạy bén của phụ nữ, các chị đã thành công với nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, mang lại thu nhập khá và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Bà Hoàng Thị Ngân, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn cho biết, dù số lượng phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ doanh nghiệp, HTX chưa phải nhiều, nhưng đó là bước tiến vượt bậc tại tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn. Để hội viên thêm tự tin, các cấp Hội đã phối hợp với các đơn vị như Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Liên minh HTX tỉnh... tổ chức các chương trình tập huấn về kỹ năng khởi nghiệp, điều hành doanh nghiệp và trực tiếp hỗ trợ vốn vay ưu đãi, mua sắm trang thiết bị cho hội viên khởi nghiệp.
"Sau các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, tập huấn về khởi sự kinh doanh hay khởi nghiệp, chị em đã thay đổi rõ rệt về nhận thức. Mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển sản xuất, chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Qua đó, thu nhập đã dần ổn định và đời sống chị em từng bước vươn lên", bà Hoàng Thị Ngân cho biết thêm.
Phạm Duy