Phát triển mô hình HTX với cây dược liệu giúp bà con dân tộc thiểu số ở Quảng Nam từng bước thoát nghèo. |
Đề án phát triển HTX, THT các huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS, với mục tiêu “xóa đói, giảm nghèo bền vững cho các hộ đồng bào DTTS và thanh niên xung phong đang sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn”, được triển khai đã nhận được sự quan tâm của đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam.
Nhân rộng thêm nhiều THT, HTX
Anh Tangôn Thơm, Giám đốc HTX nông dược Trường Sơn Xanh, huyện Tây Giang cho biết: “Từ khi vào HTX, anh chị em thành viên rất phấn khởi vì thu nhập tăng lên, công việc ổn định và mọi người được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách của Nhà nước. Việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể rất cần thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa”.
Đến nay, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã nhân rộng thêm nhiều THT, HTX tại các vùng đồng bào DTTS, cùng với đó chuyển đổi sản xuất, cây trồng vật nuôi là thế mạnh của từng địa phương, làm ăn có hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2018- 2025, định hướng đến năm 2030, với diện tích gần 64.200ha.
Tại xã Lăng, huyện Tây Giang đã hình thành vùng bảo tồn cây ba kích tím rộng 6 ha dưới tán rừng nghèo, rừng tự nhiên do Hạt Kiểm lâm Bắc Sông Bung quản lý. Hiện, ngoài HTX Thiên Bình, tại huyện miền núi cao này còn có 2 tổ hợp tác giúp bà con trồng cây ba kích tím cũng như xây dựng thương hiệu ba kích.
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, tiềm năng phát triển cây dược liệu ở huyện Tây Giang rất lớn. Để sản phẩm ba kích cũng như các loại dược liệu khác của đồng bào Cơ Tu nơi đây sớm trở thành hàng hóa cần có những giải pháp cụ thể hơn.
“Ba kích hiện nay có giá từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, nếu trồng thì có rất nhiều diện tích. Tây Giang đã có những sản phẩm đẳng sâm, ba kích, cho nên tôi đề nghị có đề án cụ thể. Tỉnh sẽ hỗ trợ để bà con có thể làm giàu trên mảnh đất Tây Giang này, đề nghị các phòng ban cùng xắn tay áo hướng dẫn bà con”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nói.
Được biết, tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp, hỗ trợ HTX xây dựng các cơ sở sản xuất giống, gắn cung ứng giống với tiêu thụ, trồng và chế biến sản phẩm dược liệu.
Hỗ trợ vốn cho HTX
Để hỗ trợ các HTX phát triển, quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Quảng Nam đã thực hiện tốt tư vấn, hỗ trợ về xây dựng phương án kinh doanh, hồ sơ pháp lý để HTX, THT tiếp cận nguồn vốn đầu tư, mở rộng sản xuất hiệu quả.
Điển hình như HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang (xã Tam Quang, Núi Thành), ông Nguyễn Thanh Vũ, Giám đốc HTX cho biết: “Nếu không có khoản vay 1,4 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, chúng tôi sẽ rất khó có đủ nguồn lực mở rộng nhà trại, sắm nguyên liệu, vật tư thiết yếu phục vụ trồng nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm mèo - mộc nhĩ”.
Cơ sở sản xuất nấm của HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang. |
Năm 2019, HTX đã đầu tư nhà trại rộng đến 2.400m2, kinh phí 7,3 tỷ đồng, để mở rộng quy mô sản xuất. Sau khi thẩm định thực tế, xem xét phương án sản xuất kinh doanh, hồ sơ thủ tục pháp lý, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh đã quyết định giải ngân 1,4 tỷ đồng cho HTX Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang.
Nhờ sự trợ lực này, HTX an tâm đầu tư trồng nấm, mở rộng thị trường tiêu thụ với các loại sản phẩm tươi (bào ngư), khô (nấm mộc nhĩ, nấm linh chi) và chế biến tinh (Trà linh chi Hoàng Hải). Hoạt động của đơn vị đã giải quyết việc làm cho 11 lao động chính và 7 lao động thời vụ. Trong đó, lao động chính được trả mức lương bình quân 6 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Hữu Ngộ, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Quảng Nam cho biết, nguồn vốn của quỹ do UBND tỉnh cấp, tổng vốn điều lệ năm 2021 là 96 tỷ đồng; dư nợ cho vay đến 31/5/2021 là 82,5 tỷ đồng. Trước đó, tính đến cuối năm 2020, quỹ đã hỗ trợ vốn cho 293 đơn vị (103 HTX, 190 THT), tổng tiền giải ngân 166,885 tỷ đồng. Được tháo gỡ một phần về vốn, các HTX, THT làm ăn hiệu quả đã giải quyết việc làm 2.990 người, trung bình mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian qua, HTX, THT muốn vay vốn lưu động song quỹ không thể giải quyết do chưa có cơ chế chính sách. Tuy nhiên, khó khăn này đã được HĐND tỉnh tháo gỡ bằng việc ban hành Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 về sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 34/2011/NQ-HĐND về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Quảng Nam.
"Quỹ được thực hiện hỗ trợ cho THT, HTX, Liên hiệp HTX thông qua phương thức cho vay vốn lưu động để phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Nhằm sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, quỹ đang sửa đổi, bổ sung điều lệ để tạo thuận lợi cho kinh tế hợp tác tiếp cận nguồn lực, mua nguyên liệu, thức ăn, phân bón, thuốc trừ sâu…", ông Ngộ nói.
Hoàng Hà