Nắm bắt được tầm quan trọng của OCOP, chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 được cả hệ thống chính trị quan tâm, tạo sức lan tỏa rộng rãi, qua đó, góp phần phát huy vai trò và sức mạnh của cả cộng đồng trong bảo tồn, phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Đồng thời, góp phần thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông lâm, thủy đặc sản, đặc trưng của từng địa phương.
Sự đồng lòng tạo nên giá trị sản phẩm OCOP
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Trưởng phòng Chính sách (Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình) cho biết, chương trình đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh nhận được sự đón nhận tích cực của các HTX, doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, hộ cá thể tham gia. Trong đó có 4 công ty cổ phần; 38 HTX, 17 doanh nghiệp tư nhân, 47 THT, 46 hộ sản xuất, kinh doanh, 11 làng nghề…
![]() |
Các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của các dân tộc tỉnh Hòa Bình luôn được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội. |
Đến nay, sau 3 năm triển khai chương trình, tỉnh Hòa Bình có 46 HTX, 9 doanh nghiệp, 9 cơ sở sản xuất và hộ có đăng ký kinh doanh, 2 làng nghề được công nhận là chủ thể có sản phẩm OCOP với 73 sản phẩm 3 và 4 sao như: Mô hình chuỗi chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ cá sông Đà như: cá lăng đen file, rô phi file của công ty Cường Thịnh; ruốc cá trắm đen lăng vàng, lăng đen của công ty TNHH Hải Đăng (TP. Hòa Bình); cam quà tặng của HTX 3T farm (huyện Cao Phong); cao cà gai leo Yên Thủy của HTX Bảo Hiệu (huyện Yên Thủy); du lịch Homestay Bản Lác… có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho các chủ thể và cộng đồng dân cư tại địa phương.
Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình nói rằng, với vị trí địa lý là cửa ngõ Tây Bắc, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đặc biệt là các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với các sản phẩm nông lâm ngư nghiệp vùng miền phong phú... Đây chính là điều kiện, cơ hội để mở rộng, tăng cường hợp tác, liên kết phát triển trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP của Hòa Bình.
“Việc tiêu chuẩn hóa các sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá và phát triển thị trường, hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm sẽ tạo tiền đề quan trọng cho phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”, ông Nguyễn Huy Nhuận nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Những năm qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua việc tổ chức, tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong, ngoài tỉnh. Tiêu biểu như: Hội chợ Công nghiệp và nông sản vùng Tây Bắc tỉnh Hòa Bình; Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du, miền núi phía Bắc - Tuần lễ cam Cao Phong…
![]() |
Việc tổ chức các hội chợ luôn mở ra cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. |
Thông qua việc tham gia các Hội chợ, không chỉ tạo cơ hội liên kết, chia sẻ kinh nghiệm giữa các chủ thể sản xuất với người tiêu dùng, nhà phân phối... Mà còn giúp thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển. Qua đó, các chủ thể OCOP ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, để người tiêu dùng trong nước nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đặc biệt sẽ giúp nâng tầm chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Được biết, thời gian tới tỉnh Hòa Bình sẽ đẩy mạnh mở cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các địa phương, khai trương cửa hàng nông sản an toàn, cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các huyện, thành phố … Đây được xem là cơ hội lớn để giới thiệu, quảng bá, bán các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, đảm bảo ATTP, có tem truy xuất nguồn gốc của nông dân trong, ngoài tỉnh tới người tiêu dùng.
“Nhờ được đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình đánh giá phân hạng OCOP nên những năm qua, đời sống kinh tế-văn hóa của người dân tỉnh Hòa Bình nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói riêng đã có nhiều thay đổi tích cực”. Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình nói.
Phạm Duy