Thực hiện chương trình hành động triển khai 3 lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế - xã hội, huyện Sa Thầy chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ cao nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, làm thay đổi mạnh mẽ lĩnh vực nông nghiệp.
Chú trọng công nghệ cao
Để làm được điều này, huyện Sa Thầy chú trọng định hướng, hỗ trợ các THT, HTX, người dân gắn mở rộng diện tích với việc đầu tư, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất như tưới tiết kiệm, chăm sóc theo hướng nông nghiệp sạch, tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng; tích cực thực hiện xây dựng chuỗi liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của người dân, doanh nghiệp…
Tiêu biểu là HTX Đoàn Kết (xã Mô Rai), HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại xã Sa Nghĩa, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Nghĩa Tân (xã Sa Nghĩa), HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Đăk Wớt Jốp (xã Hơ Moong).
Đến nay, 3 HTX này đã gặt hái được những thành công ban đầu trong việc xây dựng những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, cây ăn trái, cây cà phê… Đặc biệt, các HTX đã giúp đồng bào DTTS làm quen và nhận ra vai trò của mô hình HTX cũng như ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp.
![]() |
Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm được nhiều HTX ở Sa Thầy áp dụng. |
Ông Thạch Ngọc Kè (dân tộc Chăm), Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Nghĩa Tân cho biết, HTX đang phát triển trang trại chăn nuôi heo rừng ở thôn Đăk Tăng. Để tạo điều kiện cho các hộ dân người dân tộc Chăm trên địa bàn thôn Đăk Tăng, HTX thực hiện hỗ trợ giống, thức ăn, kỹ thuật để người dân chăn nuôi khép kín. Ngoài ra, HTX đẩy mạnh hoạt động bao tiêu để người dân yên tâm và tin tưởng vào mô hình HTX.
Không chỉ dừng ở sự phát triển của các HTX, đến nay, huyện Sa Thầy còn thu hút doanh nghiệp là Tập đoàn TH thực hiện chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao tại xã biên giới Mô Rai.
Doanh nghiệp này đã liên kết với các HTX để hỗ trợ người dân vay vốn ngân hàng, mua bò sữa và xây dựng chuồng trại. Các hộ dân cũng được hỗ trợ về thú y, cung cấp thức ăn cho bò và bao tiêu hoàn toàn sữa tươi nguyên liệu thông qua HTX. Đàn bò chăn nuôi tại nông hộ cũng sẽ được gắn chip để theo dõi mọi hoạt động, phòng bệnh và theo dõi chất lượng, sản lượng sữa.
Phát triển tiểu thủ công nghiệp
Ngoài phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện còn đẩy mạnh hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp vì đây vốn là thế mạnh địa phương.
Trong những năm gần đây, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, làng Kà Đừ (thôn Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy) đã khôi phục nghề dệt thổ cẩm và đan lát. Đặc biệt, địa phương đã thành lập THT dệt thổ cẩm của người Gia Rai ở thôn Kà Đừ với sự tham gia của 29 chị em.
Các sản phẩm của THT sản xuất nhiều là váy áo, khố, khăn choàng, mền, túi xách... Trên các sản phẩm thổ cẩm, chị em thường dệt các hoa văn, lưu giữ lại hồn cốt của dân tộc. Đồng thời, thông qua việc sản xuất thổ cẩm, THT tạo điều kiện cho chị em có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập và gắn với phát triển du lịch.
![]() |
Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Kà Đừ đang tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc Gia Rai. |
Hiện, THT dệt thổ cẩm của người Gia Rai ở thôn Kà Đừ đang là đơn vị trực thuộc HTX Hoa Plang (xã Ya Xiêr). Gắn bó với nghề truyền thống, ông A Nhưk (dân tộc Gia Rai, làng Rắc, xã Ya Xiêr) – Phó Giám đốc HTX Hoa Plang khẳng định, việc HTX khôi phục được các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát... là nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Các sản phẩm thổ cẩm và sản phẩm đan lát (gùi, giỏ)... luôn chứa đựng những giá trị văn hóa của dân tộc và tình yêu của người Gia Rai đối với nghề truyền thống. Việc khôi phục các giá trị văn hóa giúp người Gia Rai thêm tự hào về văn hóa dân tộc và góp phần xây dựng cuộc sống mới ở địa phương.
Để hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển nghề truyền thống, thời gian gần đây huyện Sa Thầy đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề dệt thổ cẩm, đan lát và đã hỗ trợ 19 khung dệt thổ cẩm cho người Gia Rai ở làng Ba Rgốc. Việc phát triển này được gắn với phát triển du lịch và được người dân đồng tình hưởng ứng.
Hiện, ở các xã của huyện Sa Thầy đều có ít nhất một THT. Theo các cấp ngành, đây là điều kiện thuận lợi để Sa Thầy giúp đồng bào DTTS khắc phục khó khăn nội tại, kết nối với doanh nghiệp. Khi mối liên kết này được hình thành, đời sống của đồng bào cũng đỡ bấp bênh hơn so với việc sản xuất nhỏ lẻ.
Vĩnh Bảo
Bài cuối: Đồng hành cùng HTX