Một trong những bước đi thành công nhất của huyện Chợ Mới thời gian qua là việc triển khai thành công hàng loạt chương trình, dự án, chính sách dân tộc, góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và củng cố, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt.
Các chương trình hỗ trợ toàn diện
Ông Hoàng Nguyễn Việt, Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho hay để triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, thời gian qua, huyện đã thực hiện tốt một số chương trình, đề án của Trung ương như Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Chợ Mới đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng kinh tế. |
Huyện cũng triển khai hiệu quả chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số, chính sách phát triển cơ sở vật chất trường học đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, học bổng cho học sinh dân tộc nội trú, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc…
Điển hình, để đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, huyện đã triển khai các nguồn lực hỗ trợ giống cây ăn quả, giống vật nuôi, hỗ trợ máy móc thiết bị, phân bón cho trên 2.500 hộ, qua đó xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.
Gia đình anh Bàn Văn Huyên, dân tộc Tày, xã Yên Hân là một trong số hàng trăm hộ dân được hưởng lợi từ công tác hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện. Năm 2016, sau thời gian dài vật lộn với gánh nặng cơm áo gạo tiền, cái nghèo đeo bám quanh năm, anh được huyện hỗ trợ 35 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình 135, cùng cơ hội tham gia khóa tập huấn chăn nuôi gà sinh học.
Được hỗ trợ cả về vốn và kỹ thuật, anh mạnh dạn xây dựng khu chăn nuôi với quy mô hơn 200 con gà đen bản địa. Nhờ tuân thủ đúng quy trình sản xuất, thực hiện tốt vấn đề an toàn dịch bệnh, ngay trong lứa đầu tiên, đàn gà phát triển tốt, anh Huyên đã thu về khoản lãi gần 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Tiếp đà vươn lên, đến nay, sau 5 năm phát triển, từ một khu chăn nuôi nhỏ, anh Huyên đã xây dựng thành công khu trang trại tổng hợp rộng hơn 1 ha, với hệ thống 3 chuồng nuôi riêng biệt (phục vụ nuôi gối vụ), quy mô gần 3.000 con gà, doanh thu bình quân đạt trên 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương, với mức lương trên 3 triệu đồng/người tháng.
Cùng với hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện Chợ Mới cũng chủ động phân bổ nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 4 xã đặc biệt khó khăn là Tân Sơn, Yên Hân, Yên Cư, Bình Văn và 31 thôn thuộc 9 xã được đầu tư từ Chương trình 135.
Việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là các hạng mục giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học… đang trở thành một trong những động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Chợ Mới.
Đơn cử, năm 2020, xã Hòa Mục được đầu tư bê tông hóa đường liên thôn Tân Khang - Mỏ Khang từ vốn của Chương trình 135 với tổng vốn hơn 200 triệu đồng, tạo điều kiện cho nhân dân 2 thôn đặc biệt khó khăn đi lại, thông thương thuận lợi.
Bà Lục Thị Quý, dân tộc Nùng, xã Hòa Mục, chia sẻ trong nhiều năm qua, người dân 2 thôn Tân Khang và Mỏ Khang đi lại rất vất vả do đường dốc cao, đất đá lởm chởm, dẫn tới việc sản xuất hay vận chuyển nông sản gặp nhiều trở ngại, ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế của hàng chục hộ dân.
“Hơn một năm qua, nhờ được Nhà nước đầu tư bê tông hóa tuyến đường liên thôn đã giúp cho người dân đi lại thuận tiện. Gia đình tôi ở thôn Tân Khang, có hơn 1 ha ruộng cấy lúa giáp với thôn Mỏ Khang, nay đã có thể vận chuyển phân bón và thu hoạch dễ dàng”, bà Quý vui vẻ nói.
Thêm giải pháp, tạo chuyển biến sâu
Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai thực hiện đồng bộ, đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đã góp phần thay đổi diện mạo vùng cao huyện Chợ Mới.
Cần thêm những giải pháp mang tính căn cơ để giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển bền vững. |
Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Hoàng Nguyễn Việt nhận định, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của tỉnh cùng với việc triển khai đồng bộ các chính sách về công tác dân tộc đã góp phần củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện với Đảng, Nhà nước; tạo động lực để đồng bào phấn khởi, hăng say lao động sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, huyện cũng thẳng thắn nhìn vào những điểm còn hạn chế để tìm giải pháp khắc phục. Cụ thể, trên địa bàn huyện, kinh tế tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn chậm phát triển, chưa đồng đều giữa các vùng.
Nhiều vùng còn lúng túng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập quán canh tác còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn cao (chiếm trên 80% tổng hộ nghèo của huyện). Khoảng cách về mức sống và mức thu nhập vẫn còn có sự chênh lệch lớn, một số hộ còn thiếu đất sản xuất, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được so với yêu cầu đặt ra…
Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện đã được chú trọng, với những khởi sắc đáng khen ngợi, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Một số bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số ở một số xã đã có phần bị mai một.
Thời gian tới, huyện Chợ Mới tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%.
Huyện cũng sẽ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung phát triển nông - lâm nghiệp, ngành nghề nông thôn... tạo bước chuyển biến mạnh về cơ cấu kinh tế, nông nghiệp, nông thôn theo yêu cầu sản xuất hàng hóa.
Bên cạnh đó, huyện sẽ thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách dân tộc đối với vùng dân tộc, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào; củng cố hệ thống chính trị vững chắc, giữ vững quốc phòng an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Nhật Minh
Bài 2: Những người 'thắp lửa' sản xuất