![]() |
Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đakrông ngày càng được cải thiện. |
Huyện miền núi Đakrông vốn là 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, hơn 4 năm qua, nhờ việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra.
Các dự án triển khai thực hiện từng bước phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả cao, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thu nhập của người dân đã được tăng lên, đời sống được cải thiện. Đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm rõ rệt.
Giảm nghèo bền vững
Điển hình như ở Xã A Ngo, huyện Đakrông, vốn là một địa phương thuộc diện vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất huyện Đakrông. Tuy nhiên công tác giảm nghèo trong thời gian gần đây đã đạt được những kết quả tích cực. Anh Hồ Văn Hia, dân tộc Vân Kiều ở thôn A Rồng Dưới xã A Ngo là một trong những hộ dân viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo với suy nghĩ rất tích cực, “Mình xin ra hộ nghèo là để làm gương cho những người khác phấn đấu như mình”, anh Hia chia sẻ.
Để thoát nghèo, anh Hồ Văn Hia đã nỗ lực làm ăn, tận dụng lợi thế đất đai để chăn nuôi và trồng trọt, đến nay anh đã có trong tay một cánh rừng tràm với diện tích hơn 2 ha, đàn bò 4 con, đàn dê 4 con.
Giống như gia đình Anh Hồ Văn Hia, hiện trong huyện Đakrông có hàng trăm hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Có thể nói, Nghị quyết 30a triển khai ở huyện Đakrông được xem như nguồn lực thúc đẩy trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Ông Nguyễn Đức Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mò Ó, huyện Đakrông cho biết, đối với người dân sau khi có sự hỗ trợ của Nghị quyết 30a thì đời sống thay đổi, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế khá giả. Đến nay huyện đã giao gần 900ha đất trồng rừng, sản xuất, giao khoán hơn 3.000ha rừng tự nhiên cho các hộ chăm sóc.
Trong những năm qua, các chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a, Chương trình 135 với nguồn vốn lên đến gần 700 tỷ đồng đã được triển khai với những cách thức hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững. Thông qua nguồn kinh phí các chương trình giảm nghèo, các địa phương trên cơ sở tận dụng lợi thế tiềm năng, đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế, giúp người nghèo tiếp cận được những hỗ trợ phù hợp như cây con giống, khoa học kỹ thuật, nguồn vốn.
Bà Hồ Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, huyện sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án để tạo sinh kế, đặc biệt là giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bằng những mô hình kinh tế hiệu quả.
"Nếu như đầu năm 2016 toàn huyện có 4.941 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 56,5%, thì đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 27,8%", bà Cúc nói.
Sức bật từ kinh tế nông nghiệp
Trong những chính sách đột phá, giúp người dân Đakrông thoát nghèo bền vững không thể không nhắc đến mô hình phát triển nông thôn mới, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả và phù hợp với huyện miền núi có trên 80% dân số là người DTTS (chủ yếu là dân tộc Vân Kiều, Pa Kô).
Theo đó, mỗi địa phương căn cứ vào thế mạnh riêng của mình đã xây dựng được những sản phẩm nông sản chủ lực, từng bước xây dựng được thương hiệu để đứng vững trên thị trường.
![]() |
Nuôi bò sinh sản của Tổ hợp tác chăn nuôi bò trang trại Ba Lòng. |
Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền địa phương đã tập hợp, đoàn kết người DTTS, hỗ trợ về kỹ thuật, con giống để đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp. Điển hình như ở xã Ba Lòng, huyện Đakrông, 5 hộ dân đã hình thành tổ hợp tác (THT) để chăn nuôi trang trại bò sinh sản.
Thông qua các chính sách kích cầu của tỉnh, huyện, xã và sự hỗ trợ từ một dự án trong chương trình nông thôn mới của tỉnh, tháng 7/2019, Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò trang trại ở xã Ba Lòng, huyện Đakrông được hình thành. Mặc dù chỉ mới hoạt động thời gian ngắn nhưng bước đầu chính quyền địa phương và các thành viên THT đã khẳng định, đây là mô hình phù hợp điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khai thác tối đa tiềm năng vùng đồi núi của xã.
Anh Lê Quang Thao, Chi hội trưởng Hội Nông dân xã Ba Lòng được giao làm Tổ trưởng THT với 5 thành viên trong xã cùng tham gia. Anh Thao cho biết: "Với lợi thế diện tích rộng lớn, địa hình phù hợp, thuận lợi với chăn nuôi bò. Bước đầu mô hình được dự án hỗ trợ cho 15 con bò giống sinh sản. Tổng cộng đàn bò có 40 con bao gồm cả đàn bò tự có của các thành viên trong tổ hợp tác".
Việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh chủ yếu do tổ trưởng phụ trách, các thành viên trong THT chủ yếu cắt cỏ, chăn thả đàn bò trên đồi, trên rừng. Với mô hình chăn nuôi bò sinh sản theo hướng trang trại này, THT được dự án hỗ trợ tổng cộng khoảng 250 triệu đồng, các thành viên THT đầu tư thêm khoảng 2,5 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến năm 2025 đàn bò phát triển lên đến 100 con.
Ông Hồ Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ba Lòng nói rằng, phát triển kinh tế theo mô hình THT đã tạo sự gắn kết giữa các cộng đồng dân cư với nhau, cùng giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Trong thời gian tới, sẽ nhân rộng mô hình này trên toàn xã.
Việc xây dựng mô hình THT là hướng đến một nền chăn nuôi nông hộ bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, có sự quản lý, điều hành của tổ trưởng, tổ phó và sự giám sát của các thành viên. Mô hình này góp phần giúp địa phương thực hiện đề án chuyển đổi rừng kém hiệu quả sang phát triển trang trại chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa bền vững.
Hoàng Hà
Bài 2: Liên kết để sản xuất lớn