Những năm gần đây có nhiều người dân tộc Chăm ở xã Suối Dây thuộc huyện biên giới Tân Châu (Tây Ninh) tham gia xuất khẩu lao động ở thị trường các quốc gia Trung Đông. Đây được xem làm hướng đi mới, được đào tạo bài bản, giúp không ít đồng bào thiểu số thoát cảnh nghèo khó, có mức thu nhập cao hơn.
Tham gia xuất khẩu lao động
Là người nhiều lần tham gia xuất khẩu lao động tại Saudi Arabia, chị Thị RohiMah, người Chăm, cho biết vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị quyết định đi xuất khẩu lao động gần 10 năm nay. Với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, chị có thể nuôi bốn đứa con ăn học, đỡ khó khăn hơn trước.
Nhiều phụ nữ dân tộc Chăm ở vùng biên Tây Ninh thoát cảnh nghèo khó nhờ chọn hướng đi mới để phát triển sinh kế, tham gia xuất khẩu lao động. |
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, đồng bào ấp Chăm tham gia xuất khẩu lao động tại Saudi Arabia đã cải thiện được cuộc sống, nhiều người xây được nhà cửa khang trang.
Tuy mức lương không cao so với thị trường các nước khác nhưng bù lại, khi đồng bào Chăm ở Suối Dây tham gia xuất khẩu lao động ở thị trường này, người lao động không phải mất phí môi giới mà còn được đào tạo ngoại ngữ và hỗ trợ chi phí liên quan.
Có thể nói, để phát triển sinh kế cho đồng bào thiểu số ở vùng biên tỉnh tây Ninh thì việc chọn hướng đi mới về nghề nghiệp để nâng cao thu nhập (đơn cử như tham gia xuất khẩu lao động) là điều cần thiết, cũng như tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt chăn nuôi.
Như tại ấp Tầm Phô, xã Tân Đông (huyện Tân Châu) có lão nông Chum Chôm Ran, dân tộc Khmer, là một trong những người tích cực tuyên truyền vận động bà con thiểu số định canh, định cư để an cư lạc nghiệp.
Tất cả các buổi hội thảo, tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt chăn nuôi do Hội Nông dân xã Tân Đông tổ chức, ông Ran đều đến tham dự và vận động mọi người cùng đến học tập, áp dụng vào sản xuất.
Ông Chum Chôm Ran luôn xác định, chỉ có đầu tư chăm sóc tốt và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây trồng mới có năng suất cao. Từ đó, ông thường xuyên đi học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, chăm sóc mì, mía, cao su… để về ứng dụng vào sản xuất, đồng thời phổ biến kinh nghiệm cho bà con thiểu số trong xóm ấp.
Từ quyết tâm ấy, đến nay gia đình ông Chum Chôm Ran đã có trên 11 ha đất sản xuất, trong đó có 8 ha trồng mía và 3 ha trồng cao su xen mì. Năng suất mía của ông hằng năm thường đạt bình quân khoảng 90 tấn/ha.
Bên cạnh đó, ông còn chăn nuôi trâu bò, heo, gà vịt để tăng thêm thu nhập. Đời sống kinh tế của gia đình ngày càng ổn định, khá giả, 4 người con của ông đều được học hành, đã trưởng thành và có cuộc sống riêng ổn định. Ông đã xây dựng được ngôi nhà rộng rãi khang trang, đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt. Nhiều năm liền ông được bình bầu là nông dân sản xuất giỏi.
Cùng nhau làm giàu
Hoặc như tại ấp Tân Châu, xã Tân Phú, huyện Tân Châu là ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Chăm, Khmer, Thái sinh sống xen kẽ với dân tộc Kinh.
Nhờ học hỏi từ các lớp tập huấn về trồng trọt đã giúp bà con dân tộc thiểu số ở vùng biên Tây Ninh vận dụng vào thực tế, giúp có thu nhập ổn định. |
Trước đây, nhìn chung, phần đông chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trong ấp có trình độ văn hoá thấp, thu nhập chủ yếu từ làm thuê, làm mướn nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, chính quyền địa phương đã mở các lớp dạy nghề nuôi gà sạch cho 33 chị em dân tộc thiểu số tại ấp Tân Châu tham gia. Qua đó, giúp các chị làm quen việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nâng cao thu nhập so với trước.
Ngoài ra, có thể kể đến xã Tân Thành (huyện Tân Châu), nhờ liên kết thành lập Tổ hợp tác, hướng tới phát triển lên HTX, giúp các hộ chăn nuôi là đồng bào dân tộc thiểu số trong xã trao đổi kinh nghiệm, vận dụng hiệu quả các kiến thức sau các khóa đào tạo nghề, từ đó nâng cao giá trị sản xuất, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho nhiều bà con thiểu số.
Điển hình như Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản ấp Tà Dơ với nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Tân Thành đã cùng nhau thành lập nhóm hợp tác sản xuất, nuôi trồng thủy sản, kết quả bước đầu đem lại những lợi ích thiết thực.
UBND xã Tân Thành cũng đặt mục tiêu trong 5 năm tới, nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo lên trên 70%. Theo đó, xã tiếp tục vận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo, nông thôn mới để mở các lớp đào tạo, dạy nghề ngắn hạn cho lao động địa phương và dân tộc thiểu số.
Hay như trên địa bàn xã Thạnh Bắc thuộc huyện biên giới Tân Biên (Tây Ninh), cũng chú trọng phát triển sinh kế, hỗ trợ đào tạo nghề cho các dân tộc thiểu số như Mường, Thái, Tày, Chăm, Khmer đang cùng làm ăn, sinh sống với dân tộc Kinh.
Anh Nguyễn Văn Quang, 40 tuổi, ngụ ấp Bàu Mây, là người dân tộc Thái, quê ở Thanh Hoá, cùng cha mẹ và 4 anh chị em vào xã Thạnh Bắc sinh sống nhiều năm nay.
Anh từng thuê 3ha đất trồng mì, trồng cao su, nhưng do không biết cách chăm sóc, giá cả lại bấp bênh nên lỗ nặng. Sau đó, nhờ được tạo hướng đi mới trong việc phát triển nghề nghiệp mưu sinh ở một vựa than gỗ gần nhà nên đã giúp cuộc sống ổn định hơn.
Theo anh Quang, tính đến nay, ở xã Thạnh Bắc có tổng cộng 6 hộ gia đình là người dân tộc Thái, nhờ được tạo sinh kế phù hợp nên hầu hết đều chí thú làm ăn.
Rõ ràng, với nhiều hướng đi mới, phong phú, đa dạng, đáp ứng được mọi nhu cầu của người dân, các xã vùng biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh đang mở ra những hướng đi mới, giúp bà con người dân tộc thiểu số cùng nhau thoát nghèo, ổn định cuộc sống và làm giàu chính đáng.
Thanh Loan