Trở lại câu chuyện của HTX chế biến chè Phìn Hồ, ông Triệu Tài Hin, Giám đốc HTX này chia sẻ đã đạt được một số thành quả nhất định đáng ghi nhận nhưng HTX không dừng ở đó mà sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm trở thành hàng hóa tốt, có giá trị cao để tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu quốc tế.
Cần cơ chế hỗ trợ
Theo đó, đại diện HTX chế biến chè Phìn Hồ đề nghị Trung ương có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí cho các chủ thể OCOP 5 sao để sản phẩm hoàn thiện hơn nữa từ sản phẩm OCOP quốc gia trở thành sản phẩm OCOP quốc tế trong khoảng thời gian gần nhất.
![]() |
Cần có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách cho các sản phẩm OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Đồng thời, Trung ương hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số gắn với sản phẩm OCOP tại nơi sản xuất ra sản phẩm OCOP từ 5 sao trở lên nhằm có sự tương trợ lẫn nhau.
Ông Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoàng Su Phì, đánh giá kết thúc giai đoạn 1 thực hiện Chương trình OCOP, bước vào giai đoạn 2, mục tiêu của Chương trình cần tập trung là nâng cao chất lượng sản phẩm. Với Hà Giang, một tỉnh vùng cao khó khăn cũng như huyện Hoàng Su Phì nói riêng, để sản phẩm OCOP tiếp tục vươn xa, tiêu thụ trong nước và nước ngoài, trong giai đoạn tới cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, Nhà nước cần có sự hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đi lại, điện, đường... bởi vì điều này sẽ quyết định để nhà đầu tư sản xuất, để sản phẩm đặc sản trở thành sản phẩm hàng hoá công nghiệp địa phương.
Bên cạnh đó, một số chủ thể có sản phẩm được đánh giá từ 3 sao đến 5 sao cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng. Ví dụ, muốn có sản phẩm thì phải xây dựng vùng nguyên liệu, quy hoạch. "Vậy chính sách giúp bà con nông dân, vùng đồng bào vùng sâu vùng xa có quy hoạch vùng nguyên liệu trồng sản phẩm thì cần hỗ trợ giống, kỹ thuật, tìm kiếm thị trường, công nghệ...", ông Nhàn nhấn mạnh.
Còn bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan (Bắc Kạn), mong muốn đẩy mạnh phát triển chế biến miến dong theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, nâng cao chất lượng… và đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước trong thời gian tới. Theo đó, HTX đề nghị Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bắc Kạn tiếp tục quan tâm hỗ trợ HTX nâng cao năng lực sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm… nhằm gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm cây dong riềng tỉnh Bắc Kạn đồng thời để giải quyết việc làm nâng cao thu nhập của người dân, đồng bào dân tộc thiểu số.
Liên kết còn lỏng lẻo
Từ quá trình thực hiện xây dựng sản phẩm địa phương thành sản phẩm OCOP, đại diện Sở NN&PTNT Lào Cai đã chỉ ra những điểm nghẽn của chương trình như giải quyết việc làm thông qua các mô hình liên kết còn chưa được nhiều do sản lượng tiêu thụ nguyên liệu của đa số các cơ sở còn nhỏ lẻ.
![]() |
Nhà nước cần xem Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, miền núi theo hướng phát huy nội lực và nâng cao giá trị gia tăng. |
Sự liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất và nông dân còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Nhiều hộ nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định.
"Các doanh nghiệp nhỏ, HTX, tổ hợp tác và người sản xuất còn chưa quan tâm, tìm hiểu sâu về sản xuất bền vững dẫn đến mối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại và nông dân còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau", đại diện Sở NN&PTNT Lào Cai chỉ ra.
Theo đó, Sở NN&PTNT Lào Cai cho rằng trong giai đoạn tới cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, quan tâm đến phát triển sản phẩm 5 sao, trong đó tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc… đảm bảo theo quy định.
Đặc biệt, Nhà nước cần xem Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, miền núi theo hướng phát huy nội lực và nâng cao giá trị gia tăng góp phần xây dựng dựng nông thôn mới bền vững. Phân công lãnh đạo đứng đầu Ban Chỉ đạo/Ban Điều hành có đủ thẩm quyền quyết định các nhiệm vụ của Chương trình. Cơ quan điều phối cấp tỉnh hình thành bộ phận nghiệp vụ OCOP, cấp huyện cần có từ 1-2 cán bộ chuyên trách tham mưu giúp việc được đào tạo để có trình độ năng lực, nhận thức, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao.
"Cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất nguyên liệu đến tạo ra sản phẩm cung cấp tới tay người tiêu dùng. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong công tác đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn; cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX và các tổ chức, cá nhân tiếp cận các cơ chế, chính sách để đầu tư vào sản xuất gắn với liên kết", đại diện Sở NN&PTNT Lào Cai kiến nghị.
Lê Thúy
Bài 4: Muốn phát triển, phải tuân thủ nguyên tắc của OCOP là toàn cầu