Là tỉnh miền núi nằm ở cửa ngõ khu vực Tây Bắc, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở Hòa Bình chủ yếu là dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông… Để phát triển cây ăn quả có múi theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đã và đang đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, điện... từ đó hỗ trợ bà con DTTS phát triển kinh tế từ các sản phẩm cây trồng chủ lực.
Cây có múi trở thành mặt hàng mũi nhọn
Theo ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT, tỉnh Hòa Bình là địa phương có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp, trong đó sản phẩm chủ lực là các loại cây có múi sản xuất theo hướng thâm canh.
Hoà Bình ưu tiên hình thành các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao. |
Từ đó, đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa, sản xuất thâm canh cao như vùng sản xuất cam tại Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, vùng sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc, vùng sản xuất bưởi Diễn tại Yên Thủy, Lương Sơn.
Những năm gần đây diện tích trồng cây chủ lực có múi toàn tỉnh có xu hướng gia tăng nhanh, hiện có khoảng 8,08 nghìn ha, trong đó có 3,61 nghìn ha trong thời kỳ kinh doanh, năng suất 24 tấn/ha, thu nhập đạt 500 – 600 triệu đồng/ha/năm.
Trong đó, diện tích cây có múi được chứng nhận ATTP, VietGAP là hơn 3 nghìn ha. Quy hoạch đến năm 2025 vùng sản xuất cây có múi quy mô 10,774 nghìn ha, định hướng đến năm 2030 là 15 nghìn ha, trong đó 6 nghìn ha được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, VietGAP, GlobalGAP.
Diện tích trồng cây chủ lực có múi của đồng bào các DTTS khoảng hơn 6,2 nghìn ha, trong đó có hơn 2 nghìn ha đã sản xuất theo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP, VietGAP.
Để trở thành mặt hàng mũi nhọn sản xuất theo hướng hữu cơ, ông Nguyễn Huy Nhuận khẳng định, tỉnh cần tăng cường ứng dụng tiến bộ KH-KT trong thâm canh cây ăn quả có múi như sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học, tưới nước vào mùa khô, thoát nước vào mùa mưa, tiến hành tỉa cành tạo tán, thụ phấn bổ sung nhằm nâng cao tỷ lệ đậu quả, cải thiện kích thước quả, áp dụng kỹ thuật bao quả để hạn chế thuốc BVTV và ruồi đục quả…
Mở rộng diện tích áp dụng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp và vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong cung cứng giống vật tư cây trồng, đảm bảo cây giống sạch bệnh, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định cũng như bảo vệ và phát triển thương hiệu, hướng tới xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm.
Đặc biệt ưu tiên hình thành các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết, áp dụng quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao ý thức của người dân sản xuất kinh doanh, bảo vệ thương hiệu và sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng.
Vững vàng trên thị trường
Một số mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao đang được triển khai sẽ là cơ sở để các địa phương trong tỉnh nhân rộng, phát triển cây chủ lực có múi theo hướng hàng hóa có giá trị cao.
Phát triển cây chủ lực có múi theo hướng hàng hóa có giá trị cao là mục tiêu mà Hòa Bình hướng đến. |
Với mục tiêu cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tháng 10/2018 HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh với 16 thành viên đã được thành lập, đây là một trong những HTX tiên phong của tỉnh áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên 25 ha cam.
Anh Dương Như Mừng, Giám đốc HTX, cho biết: Trong quy trình chăm sóc cây ăn quả, các thành viên luôn coi trọng sản xuất sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Chế phẩm HTX dùng để phun cho toàn bộ diện tích cây cam được nhập từ Nhật, là dạng khuẩn sinh học. Định kỳ cho cây cam “ăn” đậu tương, ngô nghiền nhỏ ủ chung cá, nấm tạo ra phân hữu cơ.
Hiện nay, toàn bộ sản phẩm cam đường canh của HTX được tiêu thụ ở thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Trung bình, mỗi ha cam có năng suất 19 tấn/ha, doanh thu bình quân 550 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi 440 triệu đồng.
Một ví dụ khác là HTX 3T Farm, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, sau hơn 2 năm hoạt động, từ 7 thành viên với 12,5ha canh tác, đến nay HTX đã có 22 thành viên tham gia với diện tích đất canh tác tăng lên 29,5ha.
Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc cho biết, các thành viên của HTX đã thực hiện tốt quy trình sản xuất chăm sóc và đã được cấp chứng nhận VietGAP. Chứng nhận sản xuất an toàn. 2/3 diện tích trồng cam của các thành viên đang thực hiện tốt việc sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ để chăm bón.
"Trong năm 2020, tổng sản lượng cam của HTX đạt 300 tấn, đem lại lợi nhuận 6 tỷ đồng. Năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng dự kiến lợi nhuận tiếp tục tăng cao", chị Thủy nói.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Cao Phong, nhận định: Cao Phong đã có những mô hình cây có múi theo hướng hữu cơ. Qua việc hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, mời gọi liên doanh, liên kết phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, kết quả đã có nhiều sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP, đây chính là những sản phẩm hữu cơ mà huyện đang từng bước khẳng định.
Hoàng Hằng
Bài 2: Vai trò của HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm