HTX Hương Ngàn thành lập vào tháng 7/2017 với 7 thành viên, ban đầu có tên là HTX Thanh niên Bắc Kạn khởi nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực trồng hoa, tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa cao nên một số thành viên đã rút lui. Đến tháng 8/2018, HTX tái cơ cấu lại, chuyển sang lĩnh vực chưng cất tinh dầu, đổi tên thành HTX Hương Ngàn với 9 thành viên. Hiện nay, HTX có 10 thành viên.
Sạch từ nguồn nguyên liệu đến chế biến
Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, HTX Hương Ngàn chú trọng đầu tư máy móc, sản xuất theo hướng hiện đại.
Thực chất, sản xuất tinh dầu không quá khó nhưng nếu thực hiện theo phương pháp thủ công, trong tinh dầu sẽ chứa nhiều tạp chất - thành phần không cần thiết, thậm chí là độc hại đối với sức khỏe của con người.
Để xử lý vấn đề này, ngay từ nguồn nguyên liệu, HTX loại bỏ cách dùng phân bón và hóa chất để tăng năng suất và sản lượng, mà sản xuất theo hướng an toàn. Các thành viên chọn và trồng những loại giống tốt, quá trình trồng và chăm sóc không sử dụng các loại hóa chất tổng hợp, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chiếu xạ, chất kích thích sinh trưởng, giống biến đổi gen. Do đó, vùng cây nguyên liệu ít bị sâu bệnh và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do thuốc hóa học gây ra.
Theo các thành viên, trong quá trình sản xuất tinh dầu thủ công, một số cơ sở bỏ thêm vào thùng nguyên liệu một ít dầu hỏa hoặc pha thêm nước để tăng sản lượng tinh dầu thu được. Tuy nhiên, đối với HTX, việc tuân thủ theo đúng quy trình với trang thiết bị và dây chuyền máy móc hiện đại là yếu tố vô cùng quan trọng để các sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường.
Thành viên HTX giới thiệu sản phẩm tinh dầu đến khách hàng. |
Các loại tinh dầu được đóng vào lọ thủy tinh tối màu để tránh ánh sáng trực tiếp, giữ chất lượng sản phẩm và hiệu quả sử dụng. Sản phẩm sau khi đóng chai được cất trong kho lạnh, đảm bảo đúng tiêu chí bảo quản thực phẩm chức năng.
Chị Vi Thùy Dương, Giám đốc HTX chia sẻ, theo phương pháp truyền thống, người dân thường nấu tinh dầu ngay tại ruộng hoặc ven đường. Nấu xong, họ đóng chai luôn tại đó, thường khâu vệ sinh rất kém, môi trường bụi bặm, ô nhiễm chính là nguyên nhân khiến vi khuẩn và tạp chất xâm nhập vào chai tinh dầu thành phẩm bán ra thị trường. Đây là điều tối kỵ vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.
Chú trọng quy trình sản xuất sạch đã giúp HTX sản xuất thành công các loại tinh dầu sả, quýt, bưởi, gừng, nghệ... Sản phẩm được các ngành chức năng đánh giá cao vì không lẫn tạp chất, bảo đảm vệ sinh an toàn, lượng tinh dầu cao hơn so với phương pháp sản xuất thủ công.
Nhằm mở rộng thị trường, ổn định đầu ra, HTX Hương Ngàn thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ kết nối và các chương trình khởi nghiệp trên toàn quốc. Hiện, các sản phẩm tinh dầu của HTX được phân phối chủ yếu tại thị trường bán lẻ trong và ngoài tỉnh, như: Hà Nội, Lạng Sơn, Sơn La, Thái Nguyên… HTX cũng thiết lập gian hàng giới thiệu sản phẩm tại cửa hàng miễn thuế Hữu Nghị (cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn) để tiếp cận khách hàng, đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc.
Giải quyết bài toán chất thải
Các nguyên liệu sản xuất tinh dầu đều từ các loại cây gia vị, dược liệu, cây ăn quả có sẵn ở Bắc Kạn, trong đó nguồn nguyên liệu chính là quả quýt.
Do diện tích ngày càng tăng nên người trồng quýt ở địa phương thường hay rơi vào cảnh được mùa mất giá. Đầu ra khó khăn lại có ít cơ sở chế biến quýt là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân có sản phẩm nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương. Hơn nữa, tư thương cũng chỉ mua quýt đẹp, quả to, còn quýt bé không bán được hoặc bán rất rẻ.
Từ những thực tế trên, HTX nghiên cứu thị trường, vùng nguyên liệu trước khi thành lập cơ sở chế biến. Tinh dầu quýt có nhiều tác dụng, được dùng làm dược liệu, bánh kẹo, sản phẩm chăm sóc da, xà phòng, kem dưỡng, tạo hương công nghiệp hoặc dược phẩm.
Ngoài 7ha sả, 2ha gừng, nghệ, 3ha quýt của các thành viên, HTX còn thu mua quả quýt bi (là quýt nhỏ, khó bán ra thị trường). Với công nghệ chiết xuất hiện đại, HTX đang tập trung thu mua và chế biến tinh dầu quýt từ những quả quýt chín đại trà không kịp bán, quýt do thiên tai hay sương muối làm rụng, quýt nhỏ không bán được..., giúp cho người trồng quýt có thêm thu nhập.
HTX thu mua quýt của người dân về sản xuất tinh dầu. |
Không dừng lại ở đó, việc sản xuất tinh dầu còn góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường vì nếu những loại quýt trên không bán được, người dân thông thường sẽ để thối tại vườn. Tình trạng này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vì quýt sẽ phân hủy và bốc mùi, đồng thời thu hút côn trùng.
Theo tính toán, 1 tấn quýt chiết được khoảng 5kg tinh dầu, thu về 10 triệu đồng, chưa kể các sản phẩm đi kèm như rượu quýt, quýt sấy. Trong khi đó, nếu bán quả quýt loại nhỏ này chỉ đạt khoảng 5 triệu đồng/tấn. Còn nếu trong tình trạng quýt nhiều, người mua ít, hoặc thậm chí không có người mua thì việc để hư hỏng, thối… rất nhiều.
Với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, sắc đẹp và các lĩnh vực trong đời sống, tinh dầu đang là sản phẩm có triển vọng về thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, hoạt động chế biến tinh dầu tận dụng được toàn bộ chuỗi: Bã nguyên liệu sau khi tách chiết tinh dầu được sử dụng làm phân bón hữu cơ; đối với bưởi, cùi bưởi được bán cho các cơ sở chế biến chè; còn múi quýt dùng nấu rượu quýt hoặc làm quýt sấy.
Cách sản xuất này giúp nâng cao giá trị sản phẩm và giải quyết được nguồn chất thải trong nông nghiệp. Hy vọng rằng HTX Hương Ngàn sẽ tiếp tục mở rộng được quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương, giúp bà con sản xuất theo hướng bền vững.
Huyền Trang