Chè là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn xã Mỹ Phương, với tổng diện tích trên 500 ha. Không chỉ phát triển giống chè bản địa, người dân đang mạnh dạn chuyển đổi sang trồng nhiều giống chè mới cho năng suất chất lượng cao hơn, như chè NDP1, chè Nhật Bản, chè Bát Tiên, chè 777…
Áp dụng chuẩn VietGAP
HTX chè Mỹ Phương đang là đơn vị dẫn dắt, định hướng người trồng chè trong xã phát triển sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị, tạo điều kiện để sản phẩm chè của địa phương vươn xa ra thị trường.
Trình độ sản xuất của người trồng chè tại Mỹ Phương ngày càng được nâng cao (Ảnh TL). |
Khi tham gia sản xuất, thành viên HTX được tập huấn để nâng cao trình độ, làm chủ công nghệ, nắm vững quy trình sản xuất sạch, vận dụng thành thục phương tiện, máy móc kỹ thuật.
Trong quá trình canh tác, các hộ trồng chè chăm sóc cây theo quy trình tự nhiên, loại bỏ hoàn toàn các loại hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, ưu tiên các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ thân thiện môi trường.
Các loại bao bì, chai lọ, rác thải… được thành viên HTX thu gom, xử lý đúng theo quy định, tránh gây ô nhiễm môi trường. Khu chuồng trại chăn nuôi cũng được HTX di dời ra xa vườn chè để tránh nguồn chất thải ảnh hưởng đến chất lượng chè nguyên liệu.
Không chỉ tại HTX chè Mỹ Phương, phần lớn các hộ trồng chè trên địa bàn xã đã cơ bản nắm vững kỹ thuật sản xuất, liên tục cập nhật các cách làm mới.
Đấng chú ý, để phát triển cây chè bền vững, xã Mỹ Phương đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc kết hợp với Viện Nghiên cứu cây trồng Trung ương để cải tạo các nương chè cũ, thay thế giống chuyển sang trồng các giống chè có năng suất cao như LDP1, 777.
Xã cũng phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, đưa người dân đến các vùng chè lâu năm như Thái Nguyên, Mộc Châu, Phú Thọ để học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc, chế biến chè…
Việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ không chỉ giúp các hộ trồng chè gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái.
Gia tăng giá trị
Phương thức sản xuất hiện đại, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái giúp các mô hình sản xuất, chế biến chè trên địa bàn xã Mỹ Phương phát triển ổn định. Mỗi năm, toàn xã cho thu hoạch trung bình 37 - 40 tấn chè khô. Nhiều hộ gia đình trong xã có thu nhập 50 - 60 triệu đồng/năm nhờ trồng chè.
Trồng chè VietGAP mở ra hướng đi bền vững cho người dân xã Mỹ Phương (Ảnh TL). |
Hiệu quả kinh tế từ cây chè là rất thiết thực, vì vậy nhiều hộ gia đình đã chủ động đầu tư máy móc thiết bị để thu hoạch và chế biến chè theo hướng công nghiệp và sản xuất hàng hóa nhằm giải phóng sức lao động, tiết kiệm nhân lực và nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Kết quả từ thực tế chứng minh phát triển thế mạnh cây chè đang là hướng đi đúng để người nông dân xã Mỹ Phương từng bước xóa đói giảm nghèo, góp phần vào ổn định và phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện tại của chè Mỹ Phương là khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để đưa cây chè phát triển bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân thì cần hơn nữa sự quan tâm đầu tư của các ban, ngành địa phương, cũng như sự hợp tác, liên kết trong khâu tiêu thụ của các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Hưng Nguyên