Đến nay, HTX Đại Thành đã hình thành vùng cây ăn quả tập trung trên diện tích 10ha, trồng các loại cây ăn quả như cam, quýt.
Sản xuất thân thiện
Cam, quýt Bắc Kạn vốn là đặc sản mang nguồn gen quý của địa phương. Tuy nhiên, muốn nâng cao thu nhập, người dân cần xóa bỏ tình trạng lạm dụng phân, thuốc hóa học nhằm nâng cao chất lượng nông sản và giảm tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.
Để giúp người dân, thành viên hiểu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay và hướng đến nền nông nghiệp bền vững, HTX Đại Thành áp dụng quy trình sản xuất an toàn.
Cụ thể, các thành viên sử dụng phân, thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”, trên vườn đều có các thùng thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả các vườn đều được dọn dẹp sạch sẽ và lắp đặt hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước.
Đặc biệt, các hộ đều phải có hố xử lý cam, quýt bị hỏng ngay tại vườn. Cách làm này vừa giúp đất có thêm chất dinh dưỡng, vừa hạn chế tình trạng thu hút côn trùng về trích quả.
Kỹ thuật tỉa cành giúp cây có đủ dinh đưỡng nuôi quả. |
Hiệu quả từ việc áp dụng quy trình VietGAP đã tạo được niềm tin đối với người nông dân. Các hộ thành viên đã ý thức và tự nguyện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tránh làm tác động tiêu cực đến môi trường.
Trước đây, việc lạm dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng, phân bón hóa học không đúng quy trình đã tác động đến các vi sinh vật, làm giảm sự đa dạng sinh học, tác động tiêu cực đến độ phì nhiêu của đất trồng. Mặt khác, sau khi sử dụng các loại hóa chất này, một phần sẽ bị rửa trôi gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm nguồn đất, nước. Ngoài ra, phần lớn các hộ do thiếu kiến thức thường vứt quả hỏng, vỏ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Tình trạng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống sinh hoạt của người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, đến nay, những vấn đề trên đã được chấm dứt.
Tham gia HTX từ những ngày đầu, ông Nông Văn Thanh cho biết, từ lâu ông đã có thói quen ghi chép nhật ký đồng ruộng, thực hiện làm biển cảnh báo khu vực mới phun thuốc; trang bị đồ bảo hộ lao động. Nhờ đó, cam ít bị sâu bệnh, sức khỏe cũng được bảo đảm.
Với sản lượng 7-8 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, thành viên có thể thu về khoảng 250 triệu đồng/ha. Hơn nữa, cam, quýt đạt được độ đồng đều, ít bị sâu châm chích.
Định hướng phát triển
Hiện nay, HTX Đại Thành đang cung cấp sản phẩm vào các chợ và hệ thống siêu thị một số tỉnh thành phố. Ngoài ra, HTX còn tham gia các hội chợ nhằm giới thiệu, cung ứng sản phẩm nông nghiệp đến khách hàng và người tiêu dùng.
Để hỗ trợ sản xuất, hằng năm HTX đều phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức 3-4 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Ngoài các buổi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các mô hình hiệu quả, các thành viên cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống sâu bệnh và thu hoạch để từ đó áp dụng vào thực tế sản xuất.
Sản xuất theo chuẩn VietGAP giúp quýt có mẫu mã và chất lượng cao hơn. |
Ông Quách Đăng Hiển, Giám đốc HTX Đại Thành cho biết hiện nay, nhiều thành viên đang tiếp tục đăng ký mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Một số hộ dân cũng có nhu cầu tham gia HTX. Đây là tín hiệu mừng, cho thấy sự thay đổi tư duy canh tác, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của chính người trồng và người tiêu dùng.
Thời gian tới, HTX tiếp tục kết hợp với các ngành chức năng tích cực xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời thu hút người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là giải pháp tối ưu nhất, đáp ứng nhu cầu khi người tiêu dùng đang hướng tới các sản phẩm sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn, việc HTX Đại Thành chú trọng phát triển cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương từng bước hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất, thu nhập và môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Huyền Trang