Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thành lập mới 2 HTX gồm: 1 HTX ở huyện Khánh Sơn và 1 HTX ở TP. Cam Ranh; thành lập mới 2 THT nông nghiệp ở huyện Diên Khánh. Đồng thời, giải thể 1 HTX ở huyện Cam Lâm và đang xúc tiến các thủ tục giải thể 2 HTX ở huyện Vạn Ninh…
Còn nhiều khó khăn
Bên cạnh những thành công bước đầu như: góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt là đời sống của người dân vùng DTTS ở các huyện như: Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn… được nâng cao, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, trên thực tế, các HTX còn gặp không ít khó khăn như: Nguồn vốn hoạt động hạn chế, đội ngũ thành viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn... HTX thành lập chủ yếu hợp tác trong khâu sản xuất, chưa tiếp cận được vật tư đầu vào và đầu ra sản phẩm.
![]() |
Tổ hợp tác trồng mía tím Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn) có 5ha đạt chuẩn VietGAP. |
Đối với các THT, về mặt tổ chức vẫn còn chưa chặt chẽ, thiếu ổn định và bền vững; sản phẩm tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn đầu tư; còn sản xuất riêng lẻ, chưa tập hợp, liên kết với nhau; việc theo dõi, đánh giá hoạt động của tổ hợp tác còn gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử như tại huyện Khánh Sơn, nội dung hoạt động của các tổ hợp tác còn đơn giản, chủ yếu theo hình thức tương trợ lẫn nhau, hợp tác chưa chặt chẽ, chỉ mang tính ngắn hạn. Khó khăn lớn nhất hiện nay mà các THT đang gặp phải đó là nguồn vốn tái đầu tư và mở rộng sản xuất, đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Kết, THT trồng và chăm sóc mía tím xã Sơn Hiệp cho biết, tổ trưởng THT sẽ đứng ra thu mua sản phẩm cho các thành viên trong tổ và những hộ khác. Tuy nhiên, hàng năm, toàn xã trồng 55 - 60ha mía tím nên một người không thể thu mua hết được. Do đó, giá cả và đầu ra cho cây mía tím vẫn rất bấp bênh.
Còn ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh nói rằng, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm 2021, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn huyện dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp luôn gặp nhiều trở ngại do tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu, nguy cơ dịch bệnh với cây trồng, vật nuôi, thị trường tiêu thụ không ổn định, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
"Về nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể, HTX đã được Trung ương và địa phương quan tâm hỗ trợ trong thời gian qua, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng kịp thời và đầy đủ so với nhu cầu. Quy mô các HTX, tổ hợp tác còn nhỏ, cơ sở vật chất, trình độ còn hạn chế... nên việc phát triển ổn định cần có thời gian, từng bước để thực hiện", ông Thuận nói.
Nâng cao hiệu quả hoạt động
Để giúp nông dân tìm đầu ra cho nông sản, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Khánh Sơn đã tham gia các phiên kết nối cung cầu, làm việc với các doanh nghiệp, siêu thị trong và ngoài tỉnh về việc thu mua các mặt hàng nông sản của Khánh Sơn. Đồng thời, tạo điều kiện cho các THT sản xuất vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân.
![]() |
Theo các lãnh đạo các HTX để phát triển ổn định, cần sự liên kết giữa các HTX, THT với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, mở rộng quy mô nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh. |
Tuy nhiên, do nguồn kinh phí được phân bổ không nhiều, các THT chỉ được vay nguồn vốn ban đầu và mỗi hộ vay 15 - 20 triệu đồng. Đối với những hộ đã vay các kênh tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ không được vay nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân.
“Bên cạnh việc nỗ lực hỗ trợ về nguồn vốn, đầu ra cho sản phẩm, Hội Nông dân huyện cũng sẽ tập trung hướng dẫn hội viên nông dân các thủ tục hành chính để thành lập các hình thức kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, tham mưu cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và nguồn lực để mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả. Bởi đây là hướng đi cần thiết để hội nông dân tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, đại diện Hội Nông dân huyện Khánh Sơn nói.
Trong khi đó, giai đoạn 2021 - 2030, huyện Khánh Vĩnh sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, THT trên địa bàn huyện; phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các tổ hợp tác, HTX với nhau và giữa THT, HTX với các thành phần kinh tế khác; liên kết chặt chẽ giữa phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ HTX, tổ hợp tác.
Cùng với đó, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX như: rà soát tình hình hoạt động của HTX; hướng dẫn các HTX thành lập mới, thu hút thêm thành viên, tăng số vốn điều lệ; tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các HTX...
Từ thực tế trên, để hỗ trợ các HTX phát triển, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu cho 11 HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Trong đó, huyện Diên Khánh có 8 HTX gồm: Diên Bình, Diên Hòa, Diên Thạnh, Suối Tiên, Diên Lộc, Suối Hiệp 2, Diên Phước, Diên Lâm 1; thị xã Ninh Hòa có 3 HTX gồm: HTX Nông nghiệp 1 Ninh Quang, HTX Nông nghiệp 2 Ninh Quang, HTX Nông nghiệp Ninh Đông.
Hoàng Hà