Gia đình anh Cao Tĩnh, người dân tộc Raglai ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, có vườn sầu riêng khoảng 40 cây, được trồng cách đây mấy năm. Trước đó, do không nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên việc sinh trưởng, phát triển của cây rất kém.
Không còn sợ nghèo đói
Khi biết Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Sơn có mở lớp dạy kỹ thuật trồng cây ăn quả, anh Tĩnh đã đăng ký tham gia.
Sau thời gian theo học, anh đã được cấp chứng chỉ và quan trọng hơn là nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng cũng như một số loại cây ăn quả khác.
![]() |
Bà con nông dân Raglai ở huyện Khánh Sơn tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt. |
“Vườn sầu riêng nhà tôi trước đây trồng và chăm sóc không đúng cách nên cây còi cọc, nấm mốc, sâu bệnh. Bây giờ, tôi đã biết cách để cho cây xanh tốt, ra hoa, đậu quả. Tôi còn hướng dẫn hàng xóm trồng sầu riêng đúng kỹ thuật”, anh Tĩnh chia sẻ.
Một nông dân Raglai khác là anh Pi Năng Tĩnh ở thị trấn Tô Hạp, kể rằng xưa nay trồng sầu riêng xong là cứ bỏ đó, chẳng biết chăm sóc, có khi sầu riêng chết sạch. Trước kia, chẳng ai nghĩ đi trồng cây mà phải đến trường học cả.
Nhưng theo anh Pi Năng Tĩnh, từ khi được vận động đi học, có chứng chỉ nghề nông nghiệp về áp dụng thì năng suất tăng cao, gia đình anh không còn sợ nghèo đói nữa. Nhiều hàng xóm của anh cũng háo hức đăng ký đi học nghề. "Có nghề rồi, cây bệnh, cây còi cọc đều biết cách chữa trị cả", anh Tĩnh nói.
Còn ở thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn) có bà Cao Thị Minh là một điển hình của người nông dân Raglai trong xã gặt hái được thành quả nhờ học nghề nông.
Bà Minh cho biết ban đầu rất bỡ ngỡ do không biết kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Từ khi tham gia các lớp tập huấn của các tổ chức hội ở địa phương, bà nắm được kiến thức khoa học kỹ thuật rồi áp dụng vào sản xuất của gia đình.
Hiện tại, diện tích sản xuất của gia đình bà Minh là hơn 1ha vườn nhà (bao gồm: cà phê, điều, mía tím) và 1ha vườn rừng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, bà trồng xen canh dứa với đào, bắp; lúa rẫy với keo mới trồng năm đầu, năm thứ hai để lấy thức ăn cho heo, bò. Trong chăn nuôi, bà cũng khá thành công với mô hình nuôi heo đen và cung cấp con giống cho thị trường.
Chịu khó tìm tòi học hỏi
Ở thôn Tà Mơ, xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh) trong những năm gần đây bà con nông dân Raglai đã thu hoạch được nhiều vụ bưởi da xanh cho năng suất cao.
![]() |
Nông dân Raglai chăm sóc sầu riêng đúng cách sau khi được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật. |
Đó là nhờ Hội Nông dân xã Khánh Thành tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi da xanh cho nông dân trên địa bàn. Các hộ Raglai rất chịu khó tìm tòi, học hỏi để nắm vững kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây, đồng thời còn được Quỹ hỗ trợ nông dân cho vay vốn phát triển sản xuất.
Đến nay, 26ha bưởi của những hộ dân tham gia tập huấn kỹ thuật trồng đều phát triển tốt, cho thu hoạch đều đặn, giúp các hộ từng bước thoát nghèo và trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn xã.
Thời gian qua, hai huyện miền núi của Khánh Hoà tập trung nhiều người Raglai là Khánh Sơn và Khánh Vĩnh rất chú trọng tập huấn, đào tạo nghề nông nhằm tạo sinh kế cho bà con dân tộc Raglai. Nhờ đó mà họ áp dụng kiến thức, kỹ năng, phương pháp mới vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nâng cao đời sống.
Nhất là sau khi học nghề nông, được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt thì có những nông dân Raglai tập hợp thành những tổ liên kết sản xuất, tổ hợp tác để liên kết mở rộng sản xuất.
Trong đào tạo nghề cho lao động địa phương, 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo. Như huyện Khánh Sơn, từ năm 2014 đến nay, toàn huyện đã mở hàng chục lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 1.224 lao động trên địa bàn. Trong đó, có nhiều lớp nghề phi nông nghiệp và dạy nghề nông nghiệp.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho đồng bào Raglai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tâm lý của không ít người vẫn còn nặng tính trông chờ, ỉ lại. Vì vậy, việc hỗ trợ dạy nghề phi nông nghiệp cho đồng bào còn gặp một số trở ngại do người dân quen với lao động nông nghiệp.
Thanh Loan
Bài cuối: Thúc đẩy du lịch cộng đồng