Hiện, ở những xã, bản có người Mông sinh sống ở Sơn La đều đã có các HTX, THT đứng ra dẫn dắt người dân phát triển sản xuất nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Các HTX, THT hoạt động hiệu quả đã và đang giải quyết được nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững đồng bào dân tộc Mông.
HTX tạo bước đi vững chắc
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp A Cao (Vân Hồ) thành lập nhằm liên kết các hộ nông dân người Mông trồng mận, chanh leo và cam, quýt.
Ông Tráng A Cao, Giám đốc HTX, cho biết HTX có 7 hộ dân tham gia, với 67ha cây ăn quả. Theo ông Tráng A Cao, việc thành lập HTX nhằm liên kết các hộ dân để tạo thành vùng sản xuất cây ăn quả lớn, đồng thời liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Chỉ tính riêng mỗi ha chanh leo cho thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô và trồng su su. Ngoài ra, các thành viên của HTX còn có thêm nguồn thu từ cam, quýt đường và mận.
Việc thành lập HTX A Cao chính là cơ hội để đồng bào người Mông Vân Hồ bán sản phẩm nông nghiệp dễ hơn, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống.
HTX A Cao đã giúp người dân thay đổi cách nghĩ cách làm nhờ tham gia HTX. |
Không chỉ HTX A Cao, các HTX khác như HTX Nông nghiệp, du lịch sinh thái khủng long Háng Đồng, HTX sơn tra Hang Chú, HTX Tiến Hưng, HTX Nông nghiệp xanh Amo… đều là những mô hình kinh tế hiệu quả của người Mông.
Từ khi có Luật Hợp tác xã năm 2012, với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, phần lớn đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh đã biết đến mô hình THT, HTX.
Cùng với đó, nhận thức của người Mông về vai trò và lợi ích của mô hình HTX được cải thiện nên các mô hình HTX kiểu mới đã thực sự tạo thêm những cơ hội để các hộ đồng bào Mông sản xuất, tăng cường liên kết trên cơ sở bảo đảm tốt về lợi ích và nâng cao đời sống người lao động.
Tiêu biểu như tại xã Hang Chú, chính quyền xã tích cực vận động, khuyến khích đồng bào dân tộc Mông áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất sơn tra tập trung. Xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật, phương thức sản xuất trồng sơn tra theo tiêu chuẩn VietGAP, từ khâu giống, đất trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến thu hoạch.
Với chủ trương tiếp tục mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng và thương hiệu cây sơn tra, xã Hang Chú đang nỗ lực giúp HTX sơn tra Hang Chú liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm cho bà con. Ngoài ra, lập kế hoạch xây dựng các cửa hàng bán sản phẩm tại các điểm chợ, giới thiệu, quảng bá và từng bước khẳng định thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm.
Theo lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Sơn La, các HTX, THT ra đời đã liên kết được người dân, nhằm tạo bước đi vững chắc cho đồng bào dân tộc Mông ở tất cả các bản, xã, nhất là những những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Nâng bước cho HTX phát triển
Có thể thấy, để các HTX này phát triển, Sơn La đã hỗ trợ để có thể hình thành mối liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà HTX, Nhà nước và nhà doanh nghiệp). Theo đó, doanh nghiệp không tự thu gom đất tập trung để trồng nguyên liệu, mà chủ trương liên kết với nông dân. Đặc thù miền núi quỹ đất rất manh mún, tiểu vùng khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với rất nhiều loại cây trồng nhưng nằm rải rác.
Muốn liên kết với nông dân, phương án tốt nhất vẫn là thành lập HTX, bởi chỉ có HTX mới có thể là các đối tác của doanh nghiệp, cũng là những đại diện của người dân để cùng nhau phối hợp, liên kết với các cơ quan nhà nước. Chính nhờ mối liên kết này mà các khó khăn về vốn, kỹ thuật, đầu ra, xây dựng thương hiệu cho các HTX đã được giải quyết. Đồng bào dân tộc Mông khi tham gia HTX cũng được hưởng nhiều lợi ích.
Sự vào cuộc của các cấp ngành giúp các HTX có điều kiện phát triển theo hướng bền vững. |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công ấy, các HTX, THT của đồng bào dân tộc Mông cũng đang phải đối mặt với khá nhiều vấn đề liên quan như: Tác động của biến đổi khí hậu, thiếu nước tưới rau, cây ăn quả, sản phẩm ít, chưa đủ cung cấp thị trường, nhất là thị trường chế biến và xuất khẩu...
Thời gian tới, Sơn La sẽ cùng địa phương sẽ hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời có thể dễ dàng mở rộng diện tích để bảo đảm năng suất phục vụ nhu cầu của thị trường.
Tỉnh cũng có kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình HTX để vừa nâng cao nhận thức của người Mông về mô hình kinh tế tập thể. Khi các HTX phát triển sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy tinh thần yêu nước, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu của người Mông, cùng nhau xây dựng bản làng no ấm.
Hiện, UBND tỉnh Sơn La đang tập trung thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng đến đồng bào dân tộc Mông bằng việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế tập thể, HTX... từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào trên địa bàn.
Vĩnh Bảo