Sinh khí mới cho chăn nuôi
Với địa hình đồi núi thuận lợi cho chăn thả đại gia súc, nhiều nông dân ở xã Mường Mươn đã biết tận dụng lợi thế địa phương, mạnh dạn phát triển kinh tế bằng những cách làm mới. Trong đó, việc thành lập HTX chăn nuôi đại gia súc bản Púng Giắt 1 là một trong những hướng đi phát huy hiệu quả tích cực.
HTX chăn nuôi đại gia súc bản Púng Giắt 1 thành lập năm 2014, với vốn điều lệ là 800 triệu đồng. Ban đầu chỉ có 12 hộ đồng bào dân tộc Mông, Thái là thành viên, với quy mô nuôi 50 con trâu, bò. Sau một thời gian hoạt động, thấy được lợi ích kinh tế nên 12 hộ khác trong bản cũng xin tham gia.
Theo Giám đốc HTX Lò Văn Chơ, chăn nuôi theo hình thức này không chỉ giúp đàn gia súc có nguồn thức ăn ổn định, phát triển tốt, mà còn giúp các hộ dân đoàn kết hơn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi để cùng nhau xóa đói giảm nghèo. HTX cũng giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động, với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.
HTX chăn nuôi đại gia súc bản Púng Giắt 1 thu hút nhiều người dân tộc thiểu số tham gia, vì hoạt động hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho thành viên. |
Là hộ điển hình tham gia HTX từ năm đầu tiên, ông Lò Văn Nghiêm (dân tộc Thái, bản Pùng Giắt 1) đã quyết định vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT để đầu tư thêm 11 con bò. Sau hơn 3 năm áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi, đến nay, đàn gia súc của gia đình ông đã lên tới 35 con. Từ bán gia súc, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về gần 50 triệu đồng. Nhờ vậy, ông Nghiêm đã có tiền trả nợ, mua sắm đồ gia dụng, đầu tư cho con ăn học và mở rộng sản xuất.
“Sau khi tham gia làm thành viên HTX, tôi nhận thấy đây là lựa chọn chính xác, đúng đắn, vì HTX hướng dẫn chúng tôi kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời đứng ra tín chấp để các hộ thành viên được vay vốn sản xuất”, ông Nghiêm nói.
Sau gần 5 năm tham gia HTX, anh Choóng Văn Thanh (xã Mường Mươn) chia sẻ: “Trước đây, đàn trâu gần 20 con nhà tôi được nuôi thả rông trên rừng. Không có chuồng trại kiên cố khiến quá trình chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa đông, đàn trâu hay bị ốm, yếu, sinh trưởng và phát triển chậm”.
Đầu năm 2016, anh Thanh tham gia HTX, phát triển đàn trâu theo hướng tập trung, giúp đàn gia súc phát triển đồng đều, ít bị dịch bệnh và nhân đàn nhanh hơn. Bình quân mỗi năm, anh Thanh xuất bán 5-10 con trâu trưởng thành, trừ các khoản chi phí, thu về gần 60 triệu đồng.
HTX giúp thành viên sản xuất đúng kỹ thuật
Một số thành viên HTX cũng đang phát triển mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo. Hình thức vỗ béo có thể nuôi tối đa 3 lứa/năm, nguồn vốn được quay vòng liên tục nên hiệu quả mang lại cao. Mỗi con trâu sau khoảng 3 - 4 tháng vỗ béo là có thể xuất bán, trừ chi phí, lợi nhuận có thể đạt 1 triệu đồng/con.
Để có được thành công trong những năm qua, HTX đề ra những quy định nghiêm ngặt trong quá trình chăn nuôi. Định kỳ hàng tuần, cán bộ HTX tổ chức đi kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, tổ chức tiêm phòng theo đúng quy định. Nếu có bất kỳ thay đổi nào về số lượng đàn (bán đi hoặc mua vào), các thành viên phải báo cáo đầy đủ với ban quản lý HTX.
Chăn nuôi đại gia súc đang khai thác được tiềm năng, thế mạnh của huyện miền núi Mường Chà. |
Trong quá trình chăm sóc, nguồn thức ăn của trâu bò cũng được HTX kiểm soát chặt chẽ. Hai loại thức ăn chính được sử dụng là thức ăn tự nhiên (cỏ, lá…) và thức ăn từ cám ngô, cám gạo (thường dùng để vỗ béo); không sử dụng thức ăn thừa của vật nuôi bị ốm; bao bì, dụng cụ đựng thức ăn chăn nuôi được khử trùng định kỳ.
Ông Lò Văn Chơ, Giám đốc HTX Chăn nuôi đại gia súc bản Púng Giắt 1 tự hào nói: “Chăn nuôi tập trung theo HTX giúp gia súc phát triển đồng đều, ít bị dịch bệnh và nhân đàn nhanh hơn so với việc hộ nào hộ ấy tự chăn thả như trước. Vì vậy, có nhiều hộ gia đình trong bản cũng học theo mô hình chăn thả tập trung như thế này”.
HTX Chăn nuôi đại gia súc bản Púng Giắt 1 vận hành theo hình thức hộ thành viên góp vốn bằng chính số trâu, bò của gia đình. Các hộ đưa gia súc của mình lên chăn thả tập trung cùng một khu vực (rộng 4 - 5ha), được rào xung quanh để trông coi, bảo vệ đàn, không cho người lạ vào. Nhóm phân công thành viên luân phiên đi kiểm tra đàn gia súc 1 lần/tuần.
HTX cũng đề ra quy định đến kỳ tiêm phòng, tất cả các hộ phải đưa trâu, bò về tiêm đầy đủ; không mang gia súc mắc bệnh về bản; khi hộ nào bán trâu, bò phải thông báo cho giám đốc để kiểm soát số lượng đàn. Nhờ được chăm sóc thường xuyên nên đàn gia súc phát triển tốt, người dân đã có đời sống ổn định hơn. Bán trâu, bò đi, các hộ có vốn đầu tư phát triển kinh tế, sắm những vật dụng cần thiết cho cuộc sống.
Phạm Duy
Bài 2: HTX là "bà đỡ" cho thành viên