Trên địa bàn huyện Cư M’gar có nhiều phụ nữ tham gia làm kinh tế giỏi, không chỉ đảm bảo thu nhập cho gia đình mình mà còn tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động là người dân tộc thiểu số. Một trong những tấm gương điển hình đó là chị Triệu Thị Châu, dân tộc Dao, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh, xã Cư Suê.
Khởi nghiệp từ mô hình liên kết sản xuất cà phê
Năm 2010, tốt nghiệp cử nhân Sinh học của Trường Đại học Tây Nguyên với tấm bằng khá, chị Châu quyết định về địa phương cùng gia đình phát triển kinh tế. Tranh thủ thời gian nông nhàn, chị thường xuyên tìm tòi các kiến thức hướng dẫn khoa học kỹ thuật từ sách vở và internet, tích cực tham gia các lớp tập huấn khuyến nông do Hội phụ nữ xã giới thiệu.
Từ kiến thức có được, chị mạnh dạn bàn với gia đình trồng xen canh cây cà phê với hồ tiêu, áp dụng các kiến thức khoa học vào chăm sóc cây trồng. Ban đầu, cách trồng xen xanh này đã đem lại thu nhập ổn định, giúp chị có điều kiện nuôi 2 con nhỏ ăn học. Hàng năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình chị tiết kiệm được từ 80 - 100 triệu đồng.
Quá trình sản xuất và tiếp cận thị trường, chị Châu nhận thấy thời tiết thất thường gây ảnh hưởng đến năng suất các loại cây trồng. Không những thế, giá cả thị trường thường xuyên biến động, các mặt hàng của nông dân làm ra thường hay bị thương lái ép giá, thu nhập rất bấp bênh.
Các vùng trồng tiêu và cà phê của HTX đều áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, bền vững, trong đó có tiêu chuẩn 4C. |
Để khắc phục điều này, chị Châu mong muốn liên kết các hộ nông dân lại với nhau cùng sản xuất, cùng mua bán để giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá bán sản phẩm. Vậy là tháng 8/2016, chị đứng ra kết nối những hộ gia đình cùng thôn để thành lập thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh do chị làm Giám đốc.
Ban đầu, HTX thu hút 27 thành viên là người Dao từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp tham gia, trong đó có 17 người có trình độ đại học, cao đẳng với các chuyên ngành khác nhau, tổng nguồn vốn đóng góp trên 900 triệu đồng để sản xuất cà phê, hồ tiêu bền vững. Do mới thành lập nên hoạt động của HTX gặp rất nhiều khó khăn về vốn, trang thiết bị sản xuất tiên tiến, thị trường, thiếu kinh nghiệm trong quản lý…
Để cải thiện những khó khăn trước mắt, chị Châu tích cực tham gia các lớp tập huấn khuyến nông do huyện, xã tổ chức; các hội nghị liên quan đến phát triển ngành hàng cà phê trong tỉnh và ngoài tỉnh. Thông qua, các hội nghị, chị khảo sát nhu cầu, giới thiệu về hoạt động của HTX, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ về vốn từ các doanh nghiệp lớn, có uy tín và thu mua cà phê với mức giá cao hơn.
Thành công với nông sản sạch
Năm 2017, HTX được Dự án hồ tiêu bền vững 4C của Công ty cổ phần sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Hà Nội hỗ trợ cho vay 150 triệu đồng để xây dựng nhà kho chứa nông sản; liên kết sản xuất sản phẩm theo chứng nhận RA và thu mua trên 100 tấn hồ tiêu với mức giá chênh lệch 3.000 - 5.000 đồng so với giá thị trường. Dự án VnSAT hỗ trợ 1 lớp tập huấn phát triển cà phê bền vững với 37 nông hộ tham gia; 1 lớp tập huấn hướng dẫn cho 6 cán bộ HTX về các kỹ năng điều hành, kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tổng hợp…; đồng thời hỗ trợ 14 triệu động xây dựng 1 mô hình sản xuất cà phê bền vững; hỗ trợ từ 50 - 80% vốn xây dựng 2 mô hình tưới nước tiết kiệm.
Chị Triệu Thị Châu, Giám đốc HTX Bình Minh giới thiệu hệ thống máy móc của HTX. |
Để khắc phục những thay đổi thất thường của thời tiết, HTX mạnh dạn xây dựng hệ thống lò đốt nhiệt phân - sấy, sử dụng vỏ cà, vỏ trấu đốt theo công nghệ flox để sơ chế cà phê khi gặp điều kiện bất lợi, giúp cho hạt cà phê nhân có màu đẹp, chất lượng tốt, tiết kiệm được thời gian cho việc sơ chế, bảo quản. Đặc biệt, lò sấy không gây ô nhiễm môi trường. Kết quả ban đầu, hệ thống này đã sấy được 33 mẻ cà phê, mỗi mẻ 3,9 tấn cà phê tươi và thu lại gần 20 tấn than sinh học biochar bán ra thị trường với giá từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Nguồn thu từ việc bán than sinh học tuy không nhiều nhưng cũng đã giúp tiết kiệm được tiền điện sấy cà phê.
Nhờ liên kết các hộ sản xuất cà phê, hồ tiêu theo hướng bền vững, đời sống các thành viên HTX không ngừng được nâng cao. Đến nay, HTX đã thu hút được 145 thành viên tham gia, thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình đạt từ 150 - 500 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu nhập này, nhiều hộ ổn định cuộc sống, phục vụ được nhu cầu cơ bản của gia đình mình.
Hiện nay, HTX Bình Minh có hơn 100 ha cà phê có trồng xen canh hồ tiêu, bơ, sầu riêng… Vụ thu hoạch năm 2020, HTX Bình Minh đã thu về sản lượng cà phê xấp xỉ 165 tấn; bơ 35 tấn; sầu riêng gần 100 tấn; tiêu 155 tấn… Nhiều vườn tiêu trước đây sản xuất theo kiểu “nhờ trời”, năng suất chỉ đạt từ 1,5 - 2 tấn/ha, đến nay đã nâng cao lên 2,5-3 tấn/ha.
Toàn bộ sản phẩm cà phê của HTX sau khi thu hoạch được phơi sấy theo quy trình khoa học nên được nhiều khách hàng tin cậy đặt mua. Hiện nay, HTX Bình Minh đang mở rộng thêm dịch vụ sấy cà phê, mở đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu mua sản phẩm nông nghiệp, tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái…
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Suê, huyện Cư M’gar nhận xét: "HTX Bình Minh với nòng cốt là các trí thức trẻ, con em dân tộc địa phương đã tiên phong trong sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần thay đổi tập quán, canh tác của đồng bào. Điều đáng mừng là người dân đã tạo ra được sản phẩm nông nghiệp sạch, quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là định hướng phát triển sản xuất của địa phương trong tương lai”.
Phạm Duy
Bài 2: Đổi thay để vươn lên