Trong 54 dân tộc anh em, người Cờ Lao là một trong những dân tộc nhỏ bé trên địa bàn tỉnh Hà Giang với số lượng dưới 10.000 người. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, dân tộc Cờ Lao đang sinh sống tập trung hoặc xen kẽ tại các thôn bản thuộc 5/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang gồm các huyện Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Yên Minh, Vị Xuyên, Bắc Quang.
Là một trong những dân tộc ít người của tỉnh lại sống rải rác trên các sườn núi nên việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người Cờ Lao gặp không ít khó khăn.
Đầu tư hạ tầng, tạo sinh kế cho người dân
Để giải quyết tình trạng trên, tại địa bàn xã có người Cờ Lao sinh sống đều triển khai các chính sách tổng thể từ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục nhằm giúp người người dân phát triển mọi mặt đời sống, từ đó tạo động lực cho sự phát triển chung của cả tỉnh.
Thông qua các chương trình như xây dựng nông thôn mới, chính sách giảm nghèo 135, 30a… Các hộ dân Cờ Lao được Nhà nước hỗ trợ bê tông làm đường giao thông nông thôn, kéo điện lưới, xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt, sửa chữa nhà ở, làm nhà vệ sinh. Cùng với đó là tổ chức các chương trình đào tạo nghề cho thanh niên, phụ nữ, hộ có hoàn cảnh khó khăn học nghề dệt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng màu…
Theo Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, việc chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đối với vùng có người Cờ Lao không chỉ giúp đồng bào đi lại thuận tiện, mà còn thúc phát triển sản xuất, giao thương, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân.
Người Cờ Lao ở xã Sính Lủng (Đồng Văn) phát triển chăn nuôi nhờ được hỗ trợ giống. |
Bên cạnh đó, người Cờ Lao vốn sống dựa vào nông nghiệp nhưng do điều kiện kinh tế và xã hội chưa phát triển nên quá trình sản xuất còn phụ thuộc vào tự nhiên và mang tính “tự cung tự cấp” là chính. Việc hỗ trợ sản xuất như đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, giống… đi liền với tuyên truyền phát triển sản xuất giúp người Cờ Lao dần định hình các vùng sản xuất, chăn nuôi cũng như định canh, ổn định để phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, những chính sách trên đã làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân Cờ Lao. Đến nay, tỷ lệ thôn bản có trường lớp học kiên cố ở những xã có người Cờ Lao sinh sống đạt khoảng 80%. Tỷ lệ thôn, bản có điện sinh hoạt đạt gần 84%, nước sinh hoạt đạt từ 70-80%. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong dân tộc Cờ Lao giảm từ 73,9% năm 2010 (theo chuẩn nghèo cũ) xuống còn 48,6% năm 2020 (theo chuẩn nghèo mới), thu nhập bình quân đầu người đạt gần 24 triệu đồng vào cuối năm 2020 (cao gần gấp 3 lần so với năm 2010).
Về cơ sở hạ tầng, hiện đường giao thông thôn, bản được cứng hóa, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân. Một tín hiệu đáng mừng là hiện tại, trong vùng dân tộc của người Cờ Lao không còn tình trạng “trắng” đảng viên, 100% thôn bản có chi bộ Đảng, 100% cán bộ xã có trình độ trung cấp trở lên.
Điểm sáng Túng Sán
Nếu có dịp đến các bản: Phìn Sư, Tà Chải, Khu Trù Sán, Túng Quá Lìn ở xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bản làng người Cờ Lao bên sườn đồi xen lẫn giữa những thửa ruộng bậc thang và những đồi chè xanh mướt dưới chân dãy núi Tây Côn Lĩnh.
Túng Sán từng được mệnh danh là nơi “thâm sơn cùng cốc” vì cuộc sống của người dân chủ yếu bó hẹp trong xã bởi địa hình chia cắt. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở Túng Sán vẫn chiếm 70%, đường giao thông chủ yếu là đường đất nên việc đi lại của người Cờ Lao ở đây vô cùng khó khăn.
Nhằm từng bước giúp kinh tế của đồng bào Cờ Lao được tăng lên, xã tích cực thực hiện đề án, chương trình theo hướng phát huy lợi thế của từng địa phương, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, mang tính đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh, như: thảo quả, chè xanh, đậu tương…
Với mô hình trồng chè, xã kết hợp với huyện hỗ trợ đồng bào Cờ Lao thay thế cây chè trồng hạt bằng cây chè trồng bằng túi bầu, đồng thời giữ gìn, bảo tồn những gốc chè cổ thụ. Ngoài ra, Túng Sán là một trong những xã được Phòng Nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì thực hiện thí điểm mô hình thâm canh thảo quả với diện tích ban đầu 4 ha. Trong đó, các hộ được Nhà nước hỗ trợ 100% phân bón đồng thời cử cán bộ xuống hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc thâm canh cây thảo quả.
Các hộ tham gia mô hình sẽ phải thực hiện phát dọn dây leo, cây bụi, xới cỏ xung quanh gốc và chặt bỏ cây thảo quả già. Bên cạnh đó, người dân thực hiện bón phân theo định kỳ, tỉa cành… Nhờ đó, thảo quả cho năng suất trung bình 7 tạ/ha và cứ khoảng 100ha bán giá thấp nhất cũng có thể thu về khoảng 2,3-2,5 tỷ đồng. Đây được đánh giá là cây trồng mang lại thu nhập khá cho người Cờ Lao.
Đến nay, xã đã có gần 250ha thảo quả, ngoài bán quả tươi, người dân còn thực hiện phơi, sấy để nâng cao thu nhập. Việc trồng thảo quả dưới tán rừng còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phủ xanh đất trống đồi núi trọc.
Con đường vào xã Túng Sán đã được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. |
Ngoài sản xuất, Túng Sán cũng xác định giao thông nông thôn là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Với sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực trong nhân dân, xã tập trung xây dựng đường giao thông nông thôn, đặc biệt là tuyến đường liên xã nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân đi lại và đẩy mạnh giao thương sản phẩm hàng hóa.
Có thể khẳng định, qua phong trào thi đua yêu nước, người dân Cờ Lao ở Túng Sán đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Ông Min Phà Dù, thôn Phìn Sư, là một trong những hộ gia đình thoát nghèo thành công của xã cho biết nhờ có đường giao thông nông thôn mà việc buôn bán nông sản của người Cờ Lao thuận tiện hơn. Không ít đơn vị thu mua ở dưới xuôi đã có thể "đánh" ô tô lên tận nơi để hỗ trợ người dân tiêu thụ.
Có thể thấy, nơi đỉnh cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh, người Cờ Lao đã và đang làm chủ cuộc sống của mình để cùng các dân tộc anh em khác góp phần bảo vệ một vùng biên giới phía Tây Hà Giang vẹn toàn một dải.
Bài 2: Khởi nghiệp từ mô hình HTX
Như Yến