PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN CAO NGUYÊN MỘC CHÂU
Theo Liên minh HTX tỉnh Sơn La, nếu như năm 2018, huyện Mộc Châu có 36 HTX thì đến nay đã tăng lên 52 HTX hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Các HTX ở huyện hoạt động tương đối ổn định, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội của huyện nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.
Gặp khó trong mở rộng sản xuất
Tiêu biểu như mô hình HTX Chanh leo Mộc Châu, HTX Nông nghiệp 19/5, HTX Rau an toàn Tự Nhiên, HTX Thủy sản Quy Hướng, HTX Nuôi cá lồng bản Pơ Nang… Các HTX này không chỉ hỗ trợ người dân phát triển sản xuất mà còn liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị lớn ở Hà Nội để tiêu thụ nông sản theo mô hình chuỗi giá trị bền vững.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong quá trình hoạt động, các HTX vẫn gặp những khó khăn nhất định. Tiêu biểu như quy mô sản xuất của HTX vẫn còn nhỏ, số lượng thành viên còn ít, chủ yếu là những mô hình dưới 30 thành viên nên việc tăng vốn, mở rộng quy mô còn gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, các HTX vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn tại địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc giao thương hàng hóa. Tiêu biểu HTX nông nghiệp Quyết Thanh đang tạo dựng được thương hiệu trên thị trường nhờ sản xuất xoài sấy dẻo, mận sấy dẻo, hồng sấy dẻo... HTX cũng đang hỗ trợ người dân phát triển trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP.
Diện tích sản xuất của HTX Quyết Thanh chủ yếu trên đồi núi cao nên việc vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn. |
Tuy nhiên, việc nhân rộng diện tích trồng cây ăn quả còn khó khăn do đường giao thông chưa được nâng cấp, đầu tư. Chính vì vậy, HTX rất mong các cấp ngành quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện để nhân dân vận chuyển hàng hóa nông sản. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả để bà con áp dụng vào thực tế sản xuất, nâng cao mức thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Mong muốn của HTX Quyết Thanh cũng là của không ít HTX trên địa bàn huyện Mộc Châu. Bởi tuy huyện có khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhưng ngược lại địa hình đồi núi bị chia cắt đang cản trở quá trình phát triển sản xuất của người dân và các HTX.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của UBND tỉnh, trình độ và năng lực của các thành viên HTX, THT trên địa bàn huyện vẫn còn hạn chế, gây khó khăn cho việc giao dịch với doanh nghiệp và các tổ chức nước ngoài. Đơn cử như HTX chè bản Dọi, mặc dù đã liên kết được với công ty lữ hành để đưa du khách đến tham quan, đồng thời cung cấp những dịch vụ du lịch: phòng nghỉ, nấu ăn… Tuy nhiên, sự tham gia của các thành viên vẫn còn khá thụ động, chưa mang tính chuyên nghiệp.
Cần có chính sách đặc thù
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của một huyện miền núi, để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng cuộc sống, việc đầu tư phát triển mô hình kinh tế hợp tác, HTX là điều không thể bỏ qua tại Mộc Châu.
Chính vì vậy, theo ông Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, huyện sẽ tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện hỗ trợ người dân tham gia mô hình HTX, đồng thời tiếp tục bố trí nguồn vốn hợp lý để tạo điều kiện cho HTX mở rộng sản xuất. Đặc biệt gắn phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới để nâng cao điều kiện cơ sở hạ tầng, giúp người dân, HTX thuận tiện trong sản xuất.
Cùng với xu hướng của tỉnh, huyện sẽ tiếp tục phát triển các mô hình HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó chú trọng phát triển HTX gắn với xây dựng chuỗi giá trị rau màu, cây ăn quả, phát triển HTX ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn... Đồng thời, nhân rộng mô hình HTX hiệu quả để tạo động lực phát triển sản xuất.
HTX rau an toàn Đông Sang (Mộc Châu) rất mong nhận được sự hỗ trợ trong việc xúc tiến thương mại. |
Ông Đinh Trung Dũng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, cho biết việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện còn gặp khó khăn nhất định. Đó là nhận thức của người dân về việc tham gia áp dụng các kỹ thuật tiên tiến còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ gây khó cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và thu hút doanh nghiệp.
"Để hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất được hiệu quả hơn nữa, địa phương cần gắn hoạt động ứng dụng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân và HTX vào thực tiễn từng địa phương. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư để HTX mở rộng thị trường và kỹ năng tiếp thị…", ông Dũng nói.
Như Yến