Đáng chú ý, giai đoạn 2017 - 2020, huyện Bình Liêu đã quan tâm bố trí nguồn vốn hỗ trợ việc thành lập HTX kiểu mới, doanh nghiệp, sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), quy hoạch và triển khai vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm OCOP...
Nhiều HTX được hỗ trợ kịp thời
Những năm gần đây, các mô hình HTX tại huyện Bình Liêu đã và đang từng bước phát triển, khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Sự phát triển của mô hình HTX đã khắc phục những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp hiện nay như: Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng nông sản yếu kém. Từ đó, các HTX đã tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động, gắn phát triển kinh tế HTX với quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng đồng bào DTTS.
Huyện đã quan tâm quy hoạch và triển khai vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm OCOP cho các HTX, đơn vị. Tiêu biểu là sản phẩm miến dong Bình Liêu, đến nay huyện Bình Liêu đã quy hoạch vùng trồng trên địa bàn 5 xã, mở rộng trên toàn huyện với diện tích quy hoạch 500ha.
Bên cạnh đó, huyện phát triển diện tích trồng cây sở lên 450ha, duy trì và phát triển trên 7.000ha trồng hồi, trên 20 gia trại chăn nuôi, trồng trọt tập trung...
Diện tích cây dong riềng được quy hoạch trồng mở rộng là tiền để để HTX và các đơn vị mở rộng sản xuất sản phẩm miến dong Bình Liêu. |
Đến cuối năm 2020, toàn huyện Bình Liêu có 56 HTX được thành lập, phát triển được 27 sản phẩm tham gia chương trình OCOP...
Trong 3 năm trở lại đây, Bình Liêu đã hỗ trợ vốn, máy móc để các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cụ thể: Hỗ trợ máy tinh lọc thủy phần mật ong cho HTX Hợp Tiến; máy chế biến miến dong cho HTX Gia Hưng; hỗ trợ nhà xưởng, máy chế biến miến dong cho HTX Thương mại và Dịch vụ Khe Vằn… Đặc biệt, năm 2019, huyện đã sử dụng linh hoạt các nguồn lực NTM, khuyến công nâng tổng hỗ trợ trên 569 triệu đồng cho cơ sở sản xuất rượu gạo HTX Bình An.
Năm 2020, các cơ quan chức năng đã làm thủ tục hỗ trợ máy móc, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất và bảo quản các loại tinh dầu cho HTX thảo mộc Tuệ Lâm. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh hỗ trợ các HTX, đơn vị, cá nhân tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trên địa bàn huyện, tỉnh và một số tỉnh lân cận với tần suất tham gia hội chợ từ 5 - 7 lần/năm.
HTX góp phần phát triển các sản phẩm địa phương
Nhờ có những hỗ trợ thiết thực như vậy mà nhiều HTX vùng DTTS tại Bình Liêu đã có thêm động lực, cơ hội để phát triển.
Miến dong là một trong những sản phẩm thế mạnh được huyện Bình Liêu chú trọng. Để phát triển sản phẩm này có sự đóng góp không nhỏ của các HTX. Việc thành lập các HTX nhằm liên kết sản xuất, phát huy tri thức bản địa của đồng bào DTTS địa phương để sản xuất, chế biến thành sản phẩm miến dong. Quá trình sản xuất tuân thủ theo các quy định bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện trên địa bàn huyện có 1 doanh nghiệp, 4 HTX, 3 cơ sở sản xuất và 40 hộ sản xuất miến dong. Đáng chú ý là sản phẩm này không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, mà đã lan rộng ra thị trường trong và ngoài nước, mang lại doanh thu trung bình khoảng 56 tỷ đồng/năm.
Phụ nữ người Sán Chỉ đã trở thành nguồn lao động chính trong các HTX, đơn vị sản xuất miến. |
Anh La A Nồng, Giám đốc HTX phát triển Đình Trung cho biết: Năm 2020, HTX sản xuất khoảng 200 tấn miến dong phục vụ nhu cầu cho nhân dân. Nghề làm miến không chỉ giúp thành viên HTX có của ăn của để, mà còn giúp hàng trăm hộ dân trong xã thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế.
Hay mô hình trồng hoa của HTX Hoa Bình Liêu được áp dụng trên diện tích 18.000 m2, với hàng nghìn giống hoa, cây cảnh các loại; đầu tư quy mô kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng mới. HTX Hoa Bình Liêu không chỉ cung ứng sản phẩm trên địa bàn, mà cho cả chợ đầu mối lớn nhất của miền Bắc là tỉnh Hưng Yên.
Đến nay, HTX Hoa Bình Liêu đã trở thành điểm đến của nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Việc áp dụng song song mô hình phát triển nông nghiệp, kèm du lịch đang dần trở thành điểm sáng phát triển kinh tế vô cùng hiệu quả ở nơi đây. Đặc biệt, HTX cũng đã tạo điều kiện cho bà con DTTS tham gia làm việc, liên kết mạng lưới cung cấp dịch vụ như ăn uống, đón khách. Thu nhập của không ít hộ gia đình nhờ đó được cải thiện.
Từ những kết quả đã đạt được, ông Vũ Công Lực, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh cho biết: Kinh tế hợp tác có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng đồng bào DTTS, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, gắn với thực hiện xây dựng NTM. Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát triển kinh tế hợp tác với nòng cốt là HTX, phấn đấu thành lập mới mỗi năm khoảng 50-80 HTX, 100% cán bộ quản lý HTX đều qua đào tạo.
Thanh Vân
Bài 2: Thanh niên người Dao khởi nghiệp từ HTX