Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Hà Giang, những mô hình HTX do chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia và xây dựng đã và đang cho thấy những hiệu quả nhất định. Lan tỏa tinh thần đoàn kết, xây dựng quê hương, góp phần tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Lanh trắng dệt lên cuộc đời
Là người con của xã Sà Phìn (Đồng Văn), chị Vàng Thị Cầu, dân tộc Mông sớm gắn bó với nghề dệt vải từ cây lanh. Dù hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại vải khác nhau, bền hơn, đẹp hơn, nhưng chị Cầu vẫn thích dùng loại vải lanh do chính bàn tay, công sức lao động của những người phụ nữ Mông làm ra. Bởi, nó không chỉ cho giá trị kinh tế mà còn là một nghề đặc sắc, nhắc nhớ đến cội nguồn.
Nhằm giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm cho những chị em phụ nữ, chị Vàng Thị Cầu đã đứng lên thành lập tổ sản xuất lanh trắng. Sau một thời gian phát triển, đã thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp thôn Sà Phìn A với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 135, Nghị quyết 30a về giảm nghèo của Chính phủ.
Khi đi vào hoạt động, HTX mới thu hút được 20 thành viên. Để phát triển nghề, ban giám đốc HTX đã chú trọng việc “ươm hạt giống”. Chính vì vậy, 20 thành viên ban đầu đều được chị Vàng Thị Cầu đào tạo nghề bài bản, cùng với việc tham gia các lớp học nghề may, dệt thổ cẩm trong thời gian 3 tháng.
Giám đốc Vàng Thị Cầu đã xây dựng thành công mô hình HTX dệt lanh trắng trên địa bàn huyện Đồng Văn. |
Các chị em phụ nữ trong HTX đã cùng nhau học hỏi, cùng nhau cải tiến quy trình sản xuất, tạo nên những sản phẩm từ lanh trắng chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc. Đến nay, 100% “hạt giống” ban đầu của HTX đã có tay nghề thành thạo, nắm vững các quy trình từ khâu tước vỏ cây lanh đến khâu dệt lanh và nhuộm màu sắc cho vải…
Theo chị Vàng Thị Cầu, việc chú trọng đào tạo của HTX nhằm mục đích, sau này các thành viên có thể dệt nên những sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng, đồng thời đào tạo và lan tỏa quy trình sản xuất đến với mọi người.
Để nghề dệt thổ cẩm được phát huy hiệu quả, sản phẩm làm ra có chỗ đứng trên thị trường, HTX Sà Phìn A chú trọng quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở các hội chợ thương mại, triển lãm các sản phẩm địa phương... Điều này đã giúp sản phẩm lanh trắng của HTX được nhiều cơ sở du lịch, thời trang trong nước ưa chuộng và ký kết hợp đồng thu mua.
Đến nay, các thành viên HTX đã làm được 45 dòng sản phẩm thổ cẩm thủ công với nhiều mẫu mã, kích thước khác nhau. Sản phẩm vải lanh càng dùng lâu càng mềm mịn, an toàn cho da.
Không chỉ tiêu thụ trong nước, HTX còn xuất sản phẩm sang các thị trường: Canada, Nhật Bản, Lào, Thái Lan… qua đó giải quyết việc làm cho 95 lao động địa phương là thành viên, tổ liên kết của HTX, trong đó có nhiều mảnh đời bất hạnh với thu nhập ổn định từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Theo đánh giá của Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp thôn Sà Phìn A ra đời đã giúp những phụ nữ nghèo, phụ nữ bị bán sang Trung Quốc một thời gian hay bị bạo lực gia đình có việc làm ổn định, mang lại hạnh phúc gia đình.
Liên kết phát triển kinh tế
Là một người phụ nữ dân tộc Tày từng gắn bó với cuộc sống vất vả nhưng với sự cố gắng, ham học hỏi, chị Hoàng Thị Diện (thôn Nà Khà, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên) đã trở thành một trong những nữ giám đốc HTX tiêu biểu tại địa phương.
Chị đã cùng 12 chị em phụ nữ, đều là dân tộc Tày thành lập HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông lâm nghiệp Hướng Dương, trong đó tập trung vào dịch vụ chăn nuôi và trồng nấm.
Chị Hoàng Thị Diện (áo đen), Giám đốc HTX Hướng Dương đang hướng dẫn thành viên kỹ thuật thu hoạch nấm. |
Hiện, HTX liên kết với một doanh nghiệp ở Hà Nội thực hiện chăn nuôi lợn rừng, lợn giống theo quy trình an toàn. Tham gia mối liên kết này, HTX không chỉ được bao tiêu đầu ra mà còn được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và xử lý chất thải. Theo đó, chất thải ngoài được thu gom bằng hầm biogas, một phần sẽ được ủ thành phân hữu cơ. Chính vì vậy, quá trình chăn nuôi của HTX không chỉ bảo đảm vệ sinh môi trường mà còn tạo thành vòng tuần hoàn khi có phân bón cho các loại cây trồng.
Trung bình mỗi năm, HTX xuất khoảng 50 tấn lợn hơi, mang lại nguồn thu khoảng 2 tỷ đồng, ngoài ra còn nguồn thu từ bán lợn giống.
Song song với chăn nuôi lợn, mô hình trồng nấm cũng mang lại thu nhập khá cho thành viên. Chị Hoàng Thị Diện cho biết, HTX vừa bán nấm tươi vừa bán bịch nấm cho người có nhu cầu về tự trồng. Trung bình mỗi năm, HTX bán ra thị trường 14 nghìn bịch nấm, thu nhập gần 800 triệu đồng.
Thông qua mô hình HTX Hướng Dương và HTX Sà Phìn A đã mở ra bước ngoặt cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương. Vào HTX, họ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời, HTX cũng là nơi phát huy tinh thần hợp tác tương trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế.
Đến nay, các thành viên được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại nên sản phẩm vừa bảo đảm xuất xứ nguồn gốc, vừa được người tiêu dùng, doanh nghiệp biết đến.
Như Yến
Bài cuối: Mở hướng giải quyết việc làm bền vững