Hà Giang là nơi hội tụ của 19 đồng bào dân tộc anh em, trong đó 18 đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Nùng, Cờ Lao, La Chí, Giáy, Lô Lô, Pu Péo, Bố Y, Phù Lá… Đối với người phụ nữ ở đây, việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn không chỉ bởi xuất phát điểm thấp, mà còn bởi tư tưởng, định kiến xã hội khi luôn cho rằng phụ nữ chỉ cần ở nhà lo công việc nội trợ, con cái.
Tạo mọi điều kiện để phụ nữ phát triển
Trong bối cảnh đó, phụ nữ các dân tộc ở Hà Giang đã dần khẳng định được bản thân khi vừa giỏi việc nước, đảm việc nhà, ngày một khẳng định vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Để hỗ trợ chị em phụ nữ phát triển, Hội Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, phát triển kinh tế, xã hội gắn liền với thi đua yêu nước. Bên cạnh đó, các cấp ngành cũng lắng nghe tâm tư nguyện vọng, hiến kế của phụ nữ là đồng bào các dân tộc trong việc tham gia phát triển kinh tế văn hóa xã hội tại từng địa phương.
Đặc biệt, việc chăm lo cho phụ nữ dân tộc thiểu số là người nghèo được quan tâm mở rộng với nhiều hình thức đa dạng, nhằm tạo điều kiện giúp chị em vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng…
Phụ nữ thôn Nà Cắp đã được vay vốn phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập gia đình. |
Các chị em đã tích cực tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ các thủ tục lạc hậu và tích cực vận động người thân xây dựng nếp sống văn minh. Phong trào định canh-định cư, xây dựng và phát triển kinh tế theo mô hình VACR (Vườn-ao-chuồng-rừng), kinh tế hợp tác… được phát triển giúp tỉnh cơ bản chấm dứt tình trạng du canh, du cư, tự phát cũng như cơ bản xóa xong nhà tạm, xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.
Với phương châm “Không để phụ nữ nghèo thiếu vốn”, tỉnh đã kết hợp cùng Hội Phụ nữ, ngân hàng tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số vay các nguồn vốn ưu đãi, hay tham gia các dự án trong và ngoài nước… Qua đây, mỗi năm, trên 200 phụ nữ nghèo là dân tộc thiểu số có việc làm ổn định, cho thu nhập từ 2 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, phong trào thi đua phủ xanh đất trống, đồi núi trọc được phụ nữ dân tộc thiểu sổ tích cực tham gia. Có những chị đã cùng gia đình chủ động nhận phát triển hàng chục ha rừng, từ đó giúp có nguồn thu hàng chục triệu đồng/năm.
Chị Nông Thị Hương (thôn Nà Cắp, xã Lạc Nông) cho biết, chị đang cùng gia đình phát triển 32 ha rừng. Không chỉ trồng, chăm sóc chị còn cùng địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, thực hiện các dự án trồng rừng thay thế. Khi xã thành lập, kiện toàn tổ quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tại các thôn bản, gia đình chị cũng tham gia nhằm tuyên truyền cho người dân, chị em phụ nữ cùng nhau giữ và phát triển rừng bền vững.
Việc tham gia phát triển kinh tế thông qua các hình thức: Phát triển kinh tế trang trại, vườn rừng hộ gia đình, khôi phục nghề truyền thống đã bước đầu hình thành các mô hình câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX để giúp nhau về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, từng bước cải thiện đời sống.
Tiêu biểu như mô hình HTX Lanh trắng xã Sà Phìn (Đồng Văn) đã và đang tạo việc làm cho gần 100 phụ nữ ở địa phương, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ qua biên giới, bảo đảm an ninh, trật tự và quyền con người.
Thúc đẩy giảm nghèo
Nhờ thấy được tầm quan trọng của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế xã hội cũng như phát triển phong trào thi đua yêu nước mà tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm dần. Theo UBND tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh giảm được 33.163 hộ nghèo, (từ 43,65% xuống còn 22,53%), giảm 21,12% so với đầu năm 2016.
Phụ nữ thôn Nà Vuồng (xã Yên Phong) phát triển mô hình trồng rau hàng hóa. |
Nhiều chị em không giao tiếp được bằng tiếng phổ thông đã được tham gia các lớp học tiếng Kinh, qua đó có thể tiếp thu các kiến thức để thay đổi nếp sống, từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 3.000 phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ hộ, làm điểm tựa vững chắc giúp gia đình và chị em phụ nữ phát triển kinh tế, từng bước nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.
Ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, công tác dân tộc, tôn giáo ở Hà Giang đang phát triển sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và nhận được sự quan tâm đặc biệt của phụ nữ các địa phương. Thông qua các cuộc vận động, phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ các cấp phát động. Qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như nâng cao đời sống của từng hộ gia đình.
Như Yến
Bài 2: Chuyện khởi nghiệp của những nữ giám đốc HTX