Theo các cấp ngành, khi phát triển được mô hình HTX sản xuất hiệu quả và bền vững sẽ giúp đồng bào dân tộc Bana thêm yêu đất, yêu làng. Bên cạnh đó, nhiều người cũng nỗ lực tự thân để vươn lên trong cuộc sống.
"Giữ chân" người dân
Không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, các HTX có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, giúp người dân Bana có thêm việc làm và thu nhập.
Trước thực trạng nhiều người dân xã Glar bỏ nhà đi nơi khác tìm kế mưu sinh, việc HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar (xã Glar, huyện Đăk Đoa) ra đời và đi vào hoạt động đã giúp "níu" chân người Bana ở lại quê hương làm việc bằng nghề truyền thống. Thành viên có thể mang hàng về để vừa dệt vừa tranh thủ làm việc nhà nhưng vẫn đảm bảo giao sản phẩm đúng thời hạn. Theo đó, mỗi chị có thu nhập trung bình khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, cá biệt có người đạt mức 6 triệu đồng/tháng.
Chị Bleng, thành viên của HTX cho biết: Gia đình chị trước đây trồng hồ tiêu và lúa nương nhưng do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tình trạng thiếu nước xảy ra nên sản xuất gặp khó. Khi có HTX Glar, chị tranh thủ lúc nhàn rỗi đến HTX lấy nguyên liệu về dệt thổ cẩm. Trước đây, chị cũng biết dệt sơ sơ, sau đó được HTX đào tạo miễn phí thêm 3 tháng nữa thì thành thục.
“Nghề này cho tôi thu nhập ổn định, có tháng tiền công lên đến 5 triệu đồng. Công việc có thể sắp xếp làm bất cứ lúc nào, lại có thời gian lo cho con cái”, chị Bleng cho biết.
Không chỉ chị Bleng, hàng chục phụ nữ của xã Glar từng bỏ quê đi làm ăn ở nơi khác nay đã quay trở về tham gia HTX. Vừa được dạy nghề, vừa được làm việc tại quê hương mà không phải đi xa nên ai cũng thấy yên tâm.
Nghề dệt đã giúp người Bana không phải xa quê hương để tìm việc làm. |
Còn tại HTX Nông nghiệp Tú An (làng Pơ Nang, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), không chỉ thu hút 10 thành viên, HTX còn giúp nhiều hộ dân đồng bào Bana nhận thấy giá trị của cây cà gai leo, một loại cây từng mọc hoang tại địa phương. Đặc biệt, liên kết trồng cây cà gai leo với HTX còn giúp các hộ nâng cao thu nhập, gắn bó với đồng ruộng.
Thực tế cho thấy, các HTX đã giúp đồng bào dân tộc Bana ổn định cuộc sống, có thêm việc làm và giải quyết tình trạng ly hương. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX nông nghiệp tại địa phương có người Bana sinh sống vẫn còn nhiều khó khăn như: một bộ phận người dân và cán bộ chưa phân biệt được HTX kiểu mới với HTX kiểu cũ; một số chính sách hỗ trợ HTX chưa đi vào thực tế như hỗ trợ tín dụng, đất đai, hạ tầng sản xuất. Đặc biệt là vấn đề xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức, nên đầu ra cho sản phẩm của HTX còn khó khăn.
Theo bà M’lop, Giám đốc HTX Glar, về lâu dài, trăn trở lớn nhất của HTX vẫn là đầu ra ổn định cho sản phẩm vì hiện nay các sản phẩm vẫn chỉ buôn bán nhỏ lẻ. Nếu đầu ra không ổn định thì người dân không gắn bó với nghề và lại xảy ra tình trạng ly hương.
Xây vững “bệ đỡ” cho HTX
Điều tra của UBND tỉnh Gia Lai cho thấy, huyện Đăk Đoa, huyện Chư Pưh, thị xã An Khê vốn là những địa phương có đông đồng bào Bana sinh sống nhưng cũng xảy ra tình trạng số lao động đi làm ăn xa nhiều. Chính vì vậy, việc phát triển mô hình HTX là một trong những giải pháp thiết thực giúp giải quyết bài toán ly hương.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành, để phát triển được mô hình HTX, đầu tiên phải tuyên truyền để người dân nhận ra rằng đi nơi khác làm việc chỉ là nhu cầu trước mắt, không phải giải pháp lâu dài. Những hộ có 3-4 người đi thì động viên 1-2 người trở về địa phương vừa tiếp tục sản xuất, tham gia HTX, tránh bỏ đất hoang hóa, vừa chăm lo được cho gia đình.
Tạo điều kiện phát triển HTX sẽ giúp giải quyết vấn đề ly hương của người Bana ở Gia Lai. |
Song song đó, tỉnh cũng cần giải quyết khó khăn vướng mắc cho người dân, HTX là thiếu vốn sản xuất. “Từ nhiều nguồn khác nhau, thời gian qua, tỉnh đã huy động tổng nguồn vốn giải quyết việc làm hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như HTX phát triển sản xuất như: hỗ trợ máy móc cho HTX dệt thổ cẩm, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ đất sản xuất cho HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao hoặc sản xuất theo chuỗi”, ông Thành cho biết.
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh đã mời chuyên gia về xây dựng sản phẩm OCOP tư vấn cho các địa phương và tuyên truyền, tập huấn cho người dân, HTX. Chính vì vậy mà năm 2020, HTX Dệt thổ cẩm Glar đã chọn sản phẩm túi xách để xây dựng thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Cuối năm 2020, sản phẩm đã được công nhận là OCOP 3 sao cấp tỉnh. Còn HTX Nông nghiệp Tú An cũng đang đăng ký sản phẩm trà gai leo để tham gia chương trình OCOP và đang chờ xét duyệt. Đây sẽ là nền tảng để các HTX tiếp tục mở rộng đầu ra, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Tùng Lâm