Hương Sơn là quê hương của đặc sản cam bù, cam chanh nổi tiếng thơm ngon được chứng nhận đạt chuẩn OCOP. |
Huyện Hương Sơn có có 143 thôn đặc biệt khó khăn, gồm các dân tộc: Lào Kiều, Mường, Mán, Tày, Thái sinh sống chủ yếu tập trung trên địa bàn 2 xã Sơn Kim 1 và xã Sơn Kim 2. Tuy nhiên, phân định các xã vùng miền núi và dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển đã giúp Hương Sơn xác định được mức độ khó khăn của từng địa phương, từ đó có những chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp để đẩy nhanh phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Nhờ vậy, chương trình giảm nghèo bền vững đạt kết quả vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm nhanh. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 9,57%, cận nghèo 8,59%; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 179 hộ với 543 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo 11,85%.
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Trên địa bàn huyện Hương Sơn hiện có 619 doanh nghiệp, 94 HTX và 328 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả; 2.542 mô hình cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên; 32 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn năm 2020 đạt 40 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện 2,86%, giảm 29,87% so với năm 2011, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn NTM của 23 xã là 1,17%.
Ngay từ khi triển khai thực hiện mục tiêu phát triển NTM, huyện Hương Sơn đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu tỉnh xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm có lợi thế tại các địa phương trong tỉnh. Đồng thời, vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia chương trình OCOP thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực.
Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP đã và đang phát triển thị trường rất tốt như: cam bù, cam chanh, nhung hươu, dầu lạc… Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện về sự nỗ lực của các hộ sản xuất, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ vùng miền núi trong quá trình sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu...
Gia đình bà Hà Thị Lan, dân tộc Tày (thôn Lâm Đồng, xã Sơn Lâm, Hương Sơn) đã có thâm niên hơn 40 năm nuôi hươu. Nghiệm lại quá trình chăn nuôi, bà thấy có sản phẩm tốt chưa phải là thắng lợi hoàn toàn, bởi người nông dân bao giờ cũng bị động thị trường, bị ép giá.
Nỗi lo về đầu ra sản phẩm được hóa giải khi gia đình bà Lan liên kết cung cấp nguồn nguyên liệu nhung hươu cho HTX Dịch vụ hươu giống, nhung hươu, mật ong Sơn Lâm.
“Trước đây, chúng tôi thường bị thương lái ép giá, nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán khi nguồn cung lớn. Tuy nhiên, từ năm 2012, HTX bao tiêu với mức giá ổn định (từ 11 - 11,5 triệu đồng/kg), trong khi thương lái thu mua chỉ dao động từ 8 - 10 triệu đồng/kg. Do vậy, từ chỗ nuôi vài con, nay gia đình tôi đã tăng quy mô lên 13 con và có chi phí đầu tư đổi con giống chất lượng, nâng cao giá trị nhung hươu. Mỗi năm, gia đình thu trên 200 triệu đồng từ nhung hươu và khoảng 50 triệu tiền hươu giống”, bà Lan cho hay.
Hương Sơn là quê hương của đặc sản cam bù, cam chanh nổi tiếng thơm ngon. Đây cũng là một trong những sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao năm 2019. Với diện tích khoảng 1.000 ha cho quả, bình quân mỗi năm, người trồng cam Hương Sơn thu về trên dưới 400 tỷ đồng.
Anh Phạm Văn Lăng, dân tộc Mường, thành viên Tổ hợp tác trồng cam Sơn Mai cho biết: “Để được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cho sản phẩm cam chanh Sơn Mai là cả một hành trình khá dài, từ việc tuân thủ sản xuất theo quy trình VietGAP, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm đến tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm… Tất cả đều hướng đến mục tiêu sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn, giá trị gia tăng cao hơn”.
Đồng hành cùng HTX trong chương trình OCOP
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, Chương trình OCOP đã có tác động tích cực vào kết quả xây dựng NTM bền vững. Không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, các sản phẩm OCOP còn thúc đẩy tích cực phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, làng nghề, từng bước tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân khu vực nông thôn.
Tham gia chương trình OCOP là cơ hội tốt để các HTX tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. |
Tham gia chương trình OCOP là cơ hội tốt để HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất của các HTX, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Với những nơi sở hữu sản phẩm nông nghiệp đặc sản, bản địa, nhiều HTX đã lựa chọn cho sản phẩm của mình hướng đi riêng, đặc thù gắn với chương trình OCOP để phát huy lợi thế về chất lượng, yếu tố sản xuất, tiêu dùng mang tính văn hóa, truyền thống. Phát triển các sản phẩm dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương là nền tảng vững chắc để xây dựng thương hiệu gắn với đặc trưng vùng miền.
Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn chia sẻ, huyện xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, đồng thời là cơ hội để thoát nghèo và phát triển. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, huyện Hương Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, qua đó đạt được những thành quả quan trọng. Đến nay, 100% xã đạt chuẩn NTM, có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM. “Hương Sơn đã đề nghị Trung ương, tỉnh xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới”, ông Hưng cho biết.
Lãnh đạo huyện đánh giá, để đạt được kết quả như hôm nay có đóng góp quan trọng từ chương trình OCOP trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt góp phần quan trọng để địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Vì vậy, trong thời gian tới, đối với các sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP, huyện sẽ phối hợp, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác tiếp tục đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng để được nâng hạng sao; duy trì, nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm, quản lý hoạt động của các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP để đạt hiệu quả và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoàng Hà
Bài cuối: Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác