Gắn bó với nghề từ nhỏ, bà M'Lop (dân tộc Bana ở xã Glar, huyện Đăk Đoa) đã lên ý tưởng khởi nghiệp, khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào mình. Với tâm huyết của bà, năm 2006, HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar ra đời, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc bao đời của các hộ gia đình đồng bào Bana.
Thắp niềm tin cho nghề dệt
Ban đầu, HTX chỉ có 40 thành viên là phụ nữ người Bana, chuyên sản xuất các sản phẩm như khố, trang phục nam nữ, túi, ví...
Để truyền dạy nghề dệt và nâng cao tay nghề cho các thành viên, HTX mở các lớp tập huấn. Mỗi lớp học trong thời gian 3 tháng và đào tạo cho khoảng 50 phụ nữ người Bana về những kỹ thuật căn bản cho đến kỹ thuật nâng cao để tạo ra được những sản phẩm đa dạng hơn.
Hiện, sản phẩm chủ yếu của HTX là áo nam, áo nữ, khố, khăn trải bàn, ví, túi đeo vai, túi đựng điện thoại, thú nhồi bông, phụ kiện…
“Nghề dệt đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhưng chị em rất yêu nghề. Lúc rảnh rỗi thì ai cũng làm. Tôi thì phụ trách đầu ra cho sản phẩm. Các sản phẩm của HTX được bán nhiều nơi, từ các tỉnh xung quanh đến Tp.HCM, Nha Trang - Khánh Hòa, đầu ra tương đối ổn định”, bà M’Lop cho biết.
![]() |
Các nghệ nhân của HTX Glar hướng dẫn chị em phụ nữ Bana dệt thổ cẩm. |
Do đây là công việc làm có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn, nên được rất nhiều chị em phụ nữ Bana tích cực tham gia. Hầu hết các thành viên ở đây đều nhận sản phẩm về nhà làm. Để duy trì nghề dệt, hàng năm, HTX đều kết hợp với địa phương mở lớp đào tạo do các nghệ nhân trong HTX đứng ra dạy. Hiện, không chỉ có người trung và lớn tuổi, HTX còn thu hút được một số người trẻ tham gia học nghề và làm việc.
Đến nay, HTX đã mở rộng thành viên lên 300, đều là người Bana. Có thể thấy, dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ là nghề mà còn là niềm đam mê của bà M’Lop. Bà luôn mong nghề dệt thổ cẩm được bảo tồn và phát triển ngay trên quê hương mình. Chính tình yêu của bà đối với thổ cẩm đã thắp lên niềm tin cho thế hệ trẻ tiếp nối nghề truyền thống.
“Cứ ngồi vào khung dệt là mình cảm thấy vui và hạnh phúc lắm. Vui nhất là giờ phụ nữ trong làng mình ai cũng biết dệt, kể cả bọn trẻ. Ngoài dạy mọi người dệt, mình còn luôn nhắc nhở con cháu về truyền thống văn hóa của dân tộc Bana”, bà M’Lop chia sẻ.
Với lòng yêu nghề và mong muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống dân tộc, bà M’Lop đã được công nhận là Nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống và được người dân tin tưởng noi theo.
Trồng dược liệu công nghệ cao
Không lựa chọn nghề dệt thổ cẩm như bà M’Lop, nhưng cô gái Bana Đinh Thị Viên (làng Pơ Nang, thị xã An Khê) lại kêu gọi người dân chuyển từ trồng cây truyền thống kém hiệu quả sang trồng cà gai leo và thành lập HTX Nông nghiệp Tú An sản xuất theo chuỗi giá trị.
Chị Viên cho biết hiện nay, nhu cầu sử dụng cà gai leo làm nguyên liệu bào chế các loại thuốc Đông y là rất lớn. Trong thực tế, ngoài nguồn nguyên liệu thu hái trong tự nhiên, người dân ở một số vùng đã tự trồng cà gai leo để bán ra thị trường tại chỗ. Tuy nhiên, diện tích này là rất nhỏ lẻ, không đáng kể để tạo thành vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trước thực trạng này, chị đã thu hút 10 hộ gia đình trong làng tham gia trồng 2ha cà gai leo theo hướng hoàn toàn hữu cơ. Đặc biệt, HTX đầu tư giá thể, khu nhà màng để sản xuất con giống. Quá trình chăm sóc hoàn toàn sử dụng phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ vi sinh và sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, HTX còn ứng dụng công nghệ cao khi đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm trên toàn diện tích.
![]() |
Khu vực nhân giống cà gai leo của HTX Tú An. |
Không chỉ thu hoạch sản phẩm thô, HTX còn đầu tư hệ thống nhà kính phơi sấy. Nhà phơi sấy như là một lò hút nhiệt trực tiếp từ mặt trời kết hợp với điện trở công suất cao, được dùng cơ chế đối lưu gió tản nhiệt nên giúp cà gai leo nhanh khô nhưng vẫn bảo đảm được các chất dinh dưỡng, nên thuận tiện cho việc bảo quản.
Mô hình dược liệu công nghệ cao của HTX Tú An đang khiến nhiều người bất ngờ và thú vị. Vì ngoài ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX còn ứng dụng công nghệ thông tin vào bán hàng. Nhờ mạng xã hội, HTX đã kết nối nhiều nơi, tìm được doanh nghiệp uy tín để hợp tác hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm với kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
"Là một người con của đồng bào Bana, tôi mong thấy được sự thay đổi của người dân từ canh tác, phát triển kinh tế, đặc biệt là việc thu hái, chế biến dược liệu. Từ đó HTX vừa tạo việc làm cho bà con ở đây, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên Bana”, chị Đinh Thị Viên tâm sự.
Có thể thấy, bằng lòng yêu quê hương, đất nước, những người con của dân tộc Bana đã không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế. Và động lực giúp họ đi đến thành công chính là tin tưởng lựa chọn mô hình HTX để có thể giúp thêm nhiều người dân đồng bào Bana cùng vượt khó khăn, ứng dụng khoa học kỹ thuật và làm quen với mô hình sản xuất hàng hóa.
Đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Gia Lai đánh giá, Giám đốc HTX dệt thổ cẩm xã Glar hay Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú An tuy ở những làng, xã khác nhau nhưng có một điểm chung là đều là người Bana, đều yêu quê hương và mong muốn phát triển quê hương bằng cách hỗ trợ đồng bào cùng phát triển sản xuất, từ bỏ lối sản xuất lạc hậu. Khi những mô hình HTX này phát triển thì bản làng của người Bana cũng phát triển, từ đó đóng góp một phần nhỏ bé vào xây dựng quê hương, đất nước.
Bài cuối: Giải bài toán ly hương
Tùng Lâm