![]() |
Ông Dương Hữu Thọ, Giám đốc HTX Mật ong Hương Bưởi giới thiệu sản phẩm. |
Tuy nhiên, tại các xã biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, để kinh tế tập thể, HTX tiếp tục phát triển bền vững, chiếm vị trí quan trọng ..., cần có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Hiệu quả từ mô hình HTX kiểu mới
Có thể thấy, thời gian qua, một số HTX mới thành lập hoặc chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, gắn với chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực ở Hà Tĩnh đã thực sự có tính lan tỏa và phát triển bền vững. Nhờ đó, thu nhập của người lao động cũng như các thành viên được nâng lên đáng kể, xoá đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Mai Đình Hùng, dân tộc Mường, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê cho biết, trước đây, cuộc sống của gia đình ông cũng như nhiều hộ gia đình người dân tộc Mường trong xã vô cùng khó khăn, nhưng nhờ chuyển đổi tập trung chuyên canh trồng bưởi, nay gia đình đã khá giả, nhà cửa khang trang, tiện nghi cơ bản đủ đầy.
Ông chia sẻ: “Không riêng gì tôi mà hàng chục gia đình đồng bào dân tộc Mường ở xã Hương Trạch khá lên, có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm nhờ bưởi Phúc Trạch. Tính trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu về trên 150 triệu đồng tiền bưởi, riêng năm 2020 thu khoảng 210 triệu đồng”, ông Hùng cho hay.
Ngoài thu nhập từ quả bưởi, nhiều hộ gia đình còn nuôi ong lấy mật. Ông Dương Hữu Thọ, Giám đốc HTX Mật ong Hương Bưởi cho biết, không chỉ đầu tư ít, phù hợp với nhiều lứa tuổi, ngành nghề, mà nuôi ong ở Hương Trạch còn tận dụng được mật và phấn hoa dồi dào từ thảm thực vật, cây rừng, hoa rừng, các loại cây nông nghiệp có phấn hoa nhiều.
"Hương Khê có thảm thực vật dồi dào nên đưa lại nguồn mật lớn. Vì vậy, sản lượng mật cũng cao hơn hẳn. Bình quân mỗi tổ ong thu hoạch được 50 kg mật, với bình quân giá bán từ 100.000 - 150.000 đồng/kg sẽ thu về khoảng từ 5-7 triệu đồng", ông Thọ cho hay.
Để từng bước xây dựng thương hiệu mật ong của xã Hương Trạch và thu gom, bao tiêu sản phẩm cho người dân, năm 2019, HTX mật ong Hương Bưởi được thành lập. Từ đó đến nay, cùng với tăng tổng đàn, HTX luôn nỗ lực tìm đầu ra và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong Hương Bưởi.
"Hiện, HTX xây dựng thương hiệu mật ong Hương Bưởi để mở rộng phân phối sang các tỉnh lân cận và đưa sản phẩm ngày càng vươn xa", ông Thọ cho hay.
Trong mục tiêu xoá đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Hương Khê nói chung và các xã đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, việc nâng cao đời sống cho người dân và khuyến khích làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương như cách làm của HTX mật ong Hương Bưởi được chính quyền địa phương khuyến khích phát triển.
Phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ mục tiêu
Có thể thấy vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua trong việc tập hợp, liên kết, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giúp xoá đói giảm nghèo hiệu quả. Nhiều HTX, tổ hợp tác đã thực hiện tốt việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, thúc đẩy chuỗi sản xuất khép kín.
![]() |
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất của huyện Hương Khê thời gian qua là phát huy tiềm năng, lợi thế về đất rừng, bãi bồi ven sông để mở rộng diện tích bưởi Phúc Trạch. |
Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh đánh giá, thời gian qua, các mô hình HTX kiểu mới được thành lập đã bước đầu đạt hiệu quả là những dấu hiệu đáng mừng, cho thấy kinh tế tập thể, HTX đang phục hồi và phát triển đúng hướng. Các mô hình HTX nông nghiệp nói trên rất phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế và thực tiễn của Hà Tĩnh.
Tuy vậy, lãnh đạo Liên minh HTX Hà Tĩnh nhìn nhận, vai trò của các ngành chưa rõ, chưa quan tâm đúng mức đối với phát triển kinh tế tập thể; tổ chức hoạt động HTX chưa đáp ứng nhu cầu của thành viên và thu hút thành viên có trình độ về công tác tại HTX; các HTX hoạt động còn lúng túng, vốn ít, công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm thấp, sản xuất chưa gắn thị trường…
Để kinh tế tập thể thực sự phát huy hiệu quả, lãnh đạo một số HTX cho rằng, các cấp, các ngành và các địa phương cần xác định phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người dân để sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Đặc biệt, cần liên kết hình thành các liên hiệp HTX mạnh để thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại, nâng cao kỹ năng quản lý, nâng chất lượng sản phẩm truyền thống, tạo thêm các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Bên cạnh đó, quan tâm công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX.
Cùng với sự chỉ đạo của tỉnh, công tác phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, địa phương và nỗ lực phấn đấu vươn lên của các HTX, hy vọng các mô hình kinh tế hợp tác ở Hà Tĩnh sẽ phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp xoá đói giảm nghèo, đặc biệt ở các vùng miền núi, dân tộc thiểu số.
Hoàng Hà