Theo số liệu thống kế, 70% phụ nữ sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mức thu nhập bình quân hộ gia đình và mặt bằng dân trí của tỉnh còn thấp. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 287 tổ liên kết hợp tác, 21 HTX với 7.083 phụ nữ tham gia sản xuất, kinh doanh, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Trồng trọt và chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ...
Lợi ích khi liên kết
HTX Đồng Nhất, HTX thổ cẩm Cán Tỷ, HTX lanh trắng xã Sà Phìn, HTX dệt lanh Lùng Tám… là những mô hình tiêu biểu ở Hà Giang đang thu hút đông đảo phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thành viên.
Bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất hàng hóa, mỗi HTX đã thu hút ít nhất 10 thành viên tham gia, có HTX thu hút gần 100 thành viên. Nhiều tổ trưởng, giám đốc HTX đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn tìm hướng đi riêng cho HTX của mình, dẫn dắt các thành viên tiếp cận sản phẩm và thị trường mới để nắm bắt nhu cầu, tìm đầu ra bền vững, được thành viên và chính quyền địa phương đánh giá cao.
![]() |
HTX lanh Lùng Tám giới thiệu sản phẩm cho khách du lịch. |
Ông Triệu Trung Hiệp, Phó trưởng Ban dân tộc tôn giáo tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh luôn xác định việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hợp tác, HTX là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Qua đây sẽ nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện các mục tiêu của chương trình thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới…
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh cũng đã hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX có đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc thường xuyên phối hợp tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ, thành viên phụ nữ về mô hình kinh tế hợp tác. Thông qua công tác tuyên truyền, chị em nhận thức đúng và đầy đủ hơn về mô hình HTX và giá trị to lớn của sự hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, dần thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh từ manh mún, nhỏ lẻ, tự phát sang tư duy sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Tiêu biểu như HTX dệt lanh Lùng Tám, trong những năm gần đây đã chú trọng quảng bá sản phẩm, góp phần bảo tồn văn hóa của các dân tộc thiểu số. Các sản phẩm của HTX đều là sản phẩm nghề truyền thống của bà con dân tộc Mông, thông qua các buổi trưng bày, giới thiệu tại các điểm du lịch nổi tiếng nên sản phẩm đều được khách quốc tế yêu thích.
Đi lên từng bước
Rõ ràng, việc thành lập các tổ hợp tác, HTX do phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số quản lý ở Hà Giang bước đầu đã thay đổi nhận thức, tư duy và thói quen sản xuất nhỏ lẻ của thành viên. Qua đó, chị em phụ nữ đã tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên để trao đổi kinh nghiệm và hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tiếp cận với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật.
Tuy nhiên khó khăn của các mô hình này hiện nay là vốn điều lệ còn ít nên việc đầu tư chưa đồng bộ. Tiêu biểu như HTX Hướng Dương (xã Linh Hồ, Vị Xuyên) đang chăn nuôi theo hai hướng, lợn siêu nạc theo hình thức công nghiệp; lợn đen và lợn rừng theo hình thức sạch để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều thành viên chưa nhận thức rõ việc góp vốn kinh doanh nên hạn chế quá trình mở rộng sản xuất.
![]() |
Khách hàng chủ yếu của HTX Sà Phìn A chủ là khách du lịch tham quan đến Hà Giang nhỏ lẻ. |
Hay như các HTX dệt thổ cẩm tuy kết hợp với hình thức du lịch nhưng chủ yếu là khách tự tìm đến địa phương, còn việc liên kết với công ty lữ hành du lịch vẫn còn hạn chế.
Có tình trạng trên là vì vẫn còn cán bộ, hội viên, phụ nữ còn hiểu rất mơ hồ về kinh tế tập thể, kinh tế thị trường... Do đó, chưa thấy được vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình để chủ động khai thác các tiềm năng, lợi thế.
Theo ông Triệu Trung Hiệp, để giải quyết tình trạng trên, các cấp ngành cần có nhiều đổi mới trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết, nội dung phong phú, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của chị em phụ nữ. Từ đó giúp chị em mạnh dạn chuyển đổi mô hình từ kinh tế cá thể sang kinh tế hợp tác.
Việc xây dựng mô hình phải được thực hiện từng bước, từ ổn định đầu vào cho đến đầu ra cho sản phẩm, hoặc hình thành các dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường. Khi năng lực đủ mạnh, trình độ sản xuất của các thành viên có bước tiến bộ sẽ tiến hành thành lập HTX.
Bên cạnh đó cần tăng cường công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho phụ nữ gắn với hình thành các mô hình tạo việc làm sau học nghề, các dự án để có các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ HTX, THT phù hợp.
Như Yến