Bên cạnh những khó khăn về địa hình, giao thông chia cắt, thiên nhiên cũng ưu đãi cho vùng đất Khâu Tinh những điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng và khí hậu để giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tận dụng để phát triển kinh tế nông nghiệp, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Phát triển kinh tế theo mô hình gia trại
Đến Khâu Tinh, tìm hiểu về những tấm gương làm kinh tế giỏi, không thể không nhắc đến mô hình nuôi ngựa bạch thương phẩm của bà Lý Thị Thập, người dân tộc Dao.
Mô hình chăn nuôi ngựa bạch cho giá trị kinh tế cao của gia đình bà Lý Thị Thập. |
Thành công của gia đình chị Thập, đang truyền cảm hứng cho gần 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện mô hình nuôi ngựa bạch theo hướng gia trại, mở ra hướng đi đầy tiềm năng cho người dân trên địa bàn xã.
Chị Lý Thị Thập chia sẻ sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành chăn nuôi thú y, với khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, chị trở về địa phương lập nghiệp với mô hình chăn nuôi ngựa thương phẩm.
Sau vài năm triển khai giống ngựa thường, chị chuyển sang nuôi ngựa bạch. Đến nay, mỗi năm, gia đình chị thu về trên 200 triệu đồng từ bán ngựa thương phẩm, ngoài ra, chị còn nuôi 6 con trâu vỗ béo.
“Nuôi ngựa bạch lãi cao nhưng cần phải có vốn đầu tư lớn và kỹ thuật nuôi cũng cần đảm bảo để tránh dịch bệnh. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi rất mong có thêm các nguồn lực hỗ trợ từ các cấp quản lý để các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô, tiếp cận thêm các đối tác tiêu thụ, nâng cao giá trị”, chị Thập kiến nghị.
Hay như trường hợp anh La Văn Chuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khâu Tinh, cũng đang có được những thành công tích cực từ mô hình nuôi trâu vỗ béo ở thôn Khau Tinh, quy mô bình quân 20 - 25 con/lứa. Mỗi năm, thu nhập từ nuôi trâu vỗ béo của gia đình anh đạt trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm nhím và gần 400 con gia cầm.
Anh Chuyên chia sẻ: “Khoảng 5 năm trở lại đây xã có chủ trương chuyển đổi từ nuôi gia súc thả rông sang nuôi nhốt theo hướng sản xuất hàng hóa. Với tư cách là cán bộ, tôi chủ động xây dựng mô hình nuôi trâu vỗ béo để lấy cơ sở tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn”.
Nhờ trang bị tốt kiến thức, kỹ thuật, ngay trong năm đầu tiên, mô hình nuôi trâu vỗ béo của gia đình anh Chuyên đã lãi lớn, hoàn trả hết các khoản vay, tiếp đà thành công cho những năm tiếp theo.
Thành công của anh Chuyên tạo cảm hứng lớn cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn thôn Khau Tinh. Toàn thôn hiện có hơn 400 con trâu, một nửa số hộ nuôi đã chuyển sang nuôi nhốt vỗ béo. Ngoài thôn Khau Tinh, các thôn khác cũng học tập theo mô hình của anh.
Xây dựng kế hoạch lâu dài
Không chỉ trong chăn nuôi, nhiều tấm gương làm giàu chính đáng trên địa bàn cũng thành công với mô hình trồng trọt theo hướng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường.
Trồng cây ăn quả cũng đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân tộc thiểu số xã Khâu Tinh. |
Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả của chị Nông Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã, ở thôn Khau Phiêng. Hiện, khu sản xuất của gia đình chị có quy mô gần 1.000 cây với 3 loại quả chủ lực là cam, bưởi, táo.
Mô hình trồng cây ăn quả của chị Nhung đã cho thu hoạch 3 năm. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, ứng dụng hiệu quả kỹ thuật mới, thị trường tiêu thụ ổn định, bình quân mỗi năm, gia đình chị thu về trên 200 triệu đồng.
Với thành công đạt được, chị Nhung tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương phát triển mô hình. Đến nay, chị đã chuyển giao kỹ thuật cho 7 hộ trồng trọt trong thôn, mang lại hiệu quả khá.
Ông Phùng Văn Hồng, thôn Khau Phiêng cho biết, trước đây diện tích đất đồi của gia đình ông chủ yếu trồng sắn, ngô. Nhưng khi được chị Nhung vận động, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng 200 gốc cây cam, bưởi. Kể từ năm 2018 đến nay, mô hình cho thu lãi trung bình hơn 50 triệu đồng/kg.
Đại diện Phòng NN&PTNT huyện Na Hang cho hay, không chỉ làm giàu cho bản thân, những tấm gương làm kinh tế giỏi trên địa bàn xã Khâu Tinh đã giúp người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số nơi đây thay đổi cách nghĩ, cách làm, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Trong kế hoạch chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại giai đoạn 2021 – 2025, xã Khâu Tinh đặt mục tiêu tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất điểm, đặc biệt là các tấm gương nông dân làm giàu chính đáng. Nâng giá trị sản xuất nông nghiệp lên mức bình quân 70 - 90 triệu đồng/ha/năm.
Để hiện thực hóa mục tiêu, xã sẽ tích cực đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp theo lợi thế từng vùng, đẩy mạnh tập huấn, nâng cao trình độ khoa học – kỹ thuật cho người dân, phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong liên kết, dẫn dắt người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, khơi thông thị trường tiêu thụ.
Bài 3: HTX khẳng định vai trò "đầu tàu"
Nhật Minh