Thời gian qua, xã Xăm Khòe và Bao La (Mai Châu, Hòa Bình) đã tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình chăn nuôi lợn theo hướng liên kết bền vững. Trong đó, phải kể tới mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn của HTX chăn nuôi lợn bản địa Mường Pa, đảm bảo đầu ra cho các thành viên trong HTX, từ đó giúp bà con nâng cao thu nhập.
Hiệu quả rõ rệt
Trong năm 2020, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn huyện Mai Châu ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi chung của toàn huyện. Tuy nhiên, với các thành viên của HTX chăn nuôi lợn bản địa Mường Pa lại không bị ảnh hưởng do công tác phòng chống dịch bệnh tốt.
Nhiều bà con dân tộc người Thái 'ăn nên làm ra' vì liên kết nuôi lợn đen. |
HTX đã chủ động tuyên truyền cho các thành viên về cách phòng chống dịch bệnh, đồng thời cung cấp các loại thuốc thú y, dung dịch sát khuẩn để phun xung quanh chuồng trại chăn nuôi. Thường xuyên cử cán bộ thú y của HTX đến từng hộ gia đình để giám sát và tư vấn cách phòng chống bệnh.
Đến nay, cái tên HTX chăn nuôi lợn bản địa Mường Pa đã gắn liền với đời sống bà con người Thái nơi đây. Những năm trước đây, mỗi gia đình đồng bào người Thái chỉ nuôi vài con lợn để tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, với cách chăn nuôi này chỉ giúp bà con có thêm một khoản thu nhập nhỏ. Thấy được lợi ích khi tham gia HTX, nhiều hộ chăn nuôi lợn đen trên địa bàn xã đã đăng ký làm thành viên.
Hiện tại, mỗi thành viên trong HTX nuôi từ 10-30 con lợn thịt kết hợp 2-3 con lợn nái để chủ động gối đàn trong quá trình sản xuất, chăn nuôi. Bình quân thu nhập mỗi năm của một hộ thành viên đạt trên dưới 70 triệu đồng. HTX cũng bảo đảm thời gian nuôi trong 7-8 tháng mới xuất bán một lần để nâng cao chất lượng thịt và ổn định thu nhập cho thành viên.
Trong năm 2021, HTX chăn nuôi lợn bản địa Mường Pa còn đứng ra sản xuất cám, hỗ trợ các thành viên về thuốc thú y, đồng thời phát triển sản phẩm thịt lợn hữu cơ nuôi 100% bằng ngô, sắn.
"Tăng cường liên kết chuỗi trong chăn nuôi là nhiệm vụ mà ngành chăn nuôi cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới", ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận. Theo ông Trọng, chăn nuôi nông hộ Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu, tính liên kết trong chăn nuôi chưa nhiều. Trước khi dịch bệnh xảy ra, cả nước có trên 3 triệu hộ nuôi lợn, 7 triệu hộ chăn nuôi gia cầm, chiếm 55-60% sản lượng thịt. Chính vì vậy, các đối tượng này rất khó phát triển chăn nuôi an toàn sinh học nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để xây dựng các mô hình liên kết trong chăn nuôi.
Đẩy mạnh hỗ trợ liên kết
Theo ông Trọng, hiện nay về cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh chuỗi liên kết, Chính phủ có chính sách là Nghị định 57 về thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi. Đối với nông hộ, Chính phủ có Quyết định 50 về nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, để tạo ra sản phẩm chuyên nghiệp hơn, giá thành cạnh tranh hơn.
Xây dựng các mô hình liên kết chăn nuôi là điều kiện cần để đưa sản phẩm xuất khẩu. |
Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất chuỗi giá trị. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, người nông dân cần phải liên kết với nhau thành lập tổ hợp tác, HTX từ đó liên kết với DN để tạo chuỗi liên kết từ chăn nuôi tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm. "Người dân thành lập tổ nhóm liên kết ngang trước, tiếp đó sản xuất theo kế hoạch để không mất cân đối cung - cầu, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, Nhà nước cần phải thu hút DN để đầu tư, liên kết với HTX, có chính sách về tín dụng, đất đai để hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn", ông Trọng nhìn nhận.
Bộ NN&PTNT đã đề xuất với Chính phủ có dòng ngân sách ổn định để hỗ trợ DN vừa và nhỏ, các HTX khi tham gia và phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi, trong đó tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, theo yêu cầu của quốc tế, để xuất khẩu sản phẩm động vật Việt Nam sang các nước, chúng ta phải đảm bảo tuân thủ quy định của quốc tế. Cụ thể, theo WTO và Tổ chức Thú y thế giới (OIE), động vật, sản phẩm động vật phải xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ có cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học.
Trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo ngành thú y, các địa phương để làm sao có các vùng chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Nhờ đó, đến hết tháng 5/2021, Việt Nam có 2.288 cơ sở, các chuỗi sản xuất khép kín và vùng an toàn dịch bệnh tại 54 tỉnh, thành phố, trong đó có các cơ sở, chuỗi đã đáp ứng để xuất khẩu.
Ông Long cho rằng, để thực hiện tốt công tác xuất khẩu sản phẩm động vật trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất là sản phẩm động vật phải xuất phát từ vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE. Do vậy, các địa phương cần có kế hoạch xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phát triển chuỗi chăn nuôi liên kết, hướng tới phát triển bền vững.
Thy Lê