Tháng 5 vừa qua, giá lợn hơi trong nước liên tục giảm, tại một số địa phương đã xuống mức 64.000 đồng/kg. "Canh bạc" là cụm từ mà nhiều hộ chăn nuôi đang ví với việc nuôi lợn, bởi người may mắn thì lãi chút ít, lấy công làm lãi, còn không may là trắng tay.
Giá lợn hơi giảm, hộ chăn nuôi lỗ
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong tháng 5/2021, giá lợn hơi biến động giảm do nguồn cung trong nước được đảm bảo, việc tái đàn ở các địa phương diễn ra thuận lợi trong khi nhu cầu vẫn ở mức thấp do tác động của dịch COVID-19. Hiện, giá lợn hơi ở nhiều địa phương đã xuống dưới mức 70.000 đồng/kg.
Dịch COVID-19 ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ thịt, khiến giá lợn hơi giảm về gần 60.000 đồng/kg. |
Trên thực tế, giá lợn hơi đã có xu hướng giảm ngay trong quý I/2021. So với cuối năm 2020, giá lợn hơi tại miền Bắc và miền Trung - Tây Nguyên vào cuối tháng 3/2021 giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg; giá lợn hơi tại miền Nam giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá lợn hơi trong nước giảm là do tác động của dịch COVID-19 khiến một số khu công nghiệp phải đóng cửa, nhà hàng, quán ăn dừng hoạt động... kéo giảm sức tiêu thụ thịt lợn.
Ông Trịnh Xuân Phan (chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết, chi phí chăn nuôi thời gian qua tăng mạnh, riêng giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 20-30% so với hồi đầu năm ngoái, dẫn đến khi giá lợn hơi giảm sẽ khiến người chăn nuôi khó có lãi, nếu không muốn nói là lỗ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc HTX chăn nuôi Hòa Mỹ (Ứng Hòa, Hà Nội) cho hay, để nuôi một con lợn đạt trọng lượng 100kg, trung bình phải tiêu thụ khoảng 10 bao thức ăn loại 25kg/bao, trị giá khoảng 3 triệu đồng. Với giá cám tăng bình quân 30.000 đồng/bao, mỗi con lợn xuất chuồng đội thêm chi phí khoảng 300.000 đồng, chưa kể chi phí tiêm vắc xin phòng bệnh, công chăm sóc...
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, trong bối cảnh khó khăn kép như hiện nay (dịch tả lợn châu Phi, dịch COVID-19 ảnh hưởng tới đầu ra, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh) nếu chăn nuôi khép kín, chủ động từ con giống đến thức ăn hỗn hợp thì có lãi mỏng. Còn nếu nuôi theo quy mô nông hộ, mua con giống bên ngoài sẽ chịu chi phí cao hơn và nhiều hộ bắt đầu lỗ. Giá lợn hơi phải trên 70.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi.
Phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi
Khó khăn chồng chất là tình cảnh mà các hộ chăn nuôi, HTX chăn nuôi đang gặp phải, đặc biệt khi mối đe dọa dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn. Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, về vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi, Hội đồng khoa học đã có báo cáo với lãnh đạo Bộ NN&PTNT, sau đó yêu cầu nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện; doanh nghiệp đang tiếp tục đẩy mạnh quá trình nghiên cứu.
Theo đại diện Cục Thú y, sau khi sản xuất thành công trong phòng thí nghiệm của doanh nghiệp, cần kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm của Nhà nước và sau đó khảo nghiệm tại cơ sở đã được thẩm định đánh giá điều kiện đảm bảo tiêm thí điểm vắc xin theo đúng quy định tại Luật Thú y. Tiếp đó, báo cáo thành lập Hội đồng khoa học một lần nữa để xem xét có chấp nhận quyết định cho lưu hành vắc xin hay không.
"Chúng tôi rất mong muốn thương mại hoá được loại vắc xin phòng chống dịch tả lợn châu Phi trong thời gian sớm nhất, bởi hiện nay dịch bệnh vẫn đang còn. Tinh thần triển khai quyết liệt nhất, sự đồng hành của các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý, doanh nghiệp có tiềm năng thực sự, cộng với lãnh đạo Bộ NN&PTNT trực tiếp chỉ đạo. Bộ NN&PTNT cố gắng làm nhanh nhất nhưng phải đảm bảo khoa học, đúng quy định pháp luật để thương mại hóa loại vắc xin này. Vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi thì không chỉ người chăn nuôi ở Việt Nam cần, mà cả thế giới cũng đang hướng tới", ông Long chia sẻ.
Tuy nhiên, về giải pháp trước mắt để chăn nuôi bền vững, Bộ NN&PTNT đề xuất với Chính phủ có dòng ngân sách ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, nông dân khi tham gia và phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi, trong đó tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc và kết nối thị trường.
Đồng thời, xác định đúng thị trường, nhận diện được tiềm năng, hỗ trợ kịp thời và xác nhận cho các chuỗi giá trị cho sản phẩm thương hiệu quốc gia, vùng, OCOP và sản phẩm đặc hữu.
"Các doanh nghiệp được coi là nòng cốt trong các chuỗi, cần chủ động đổi mới hình thức tổ chức sản xuất-kinh doanh, trong đó xác định rõ nhu cầu của thị trường, đẩy mạnh liên kết với nông dân, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASEAN GAHP... để cung ứng các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của các thị trường", Bộ NN&PTNT cho biết.
Cùng với đó, xây dựng sàn giao dịch nông sản thực phẩm (sản phẩm chăn nuôi: con giống, vật nuôi giết thịt, trứng, thịt, sữa, các sản phẩm chế biến...).
Ở diễn biến liên quan, nguồn cung thịt lợn trên thế giới đang dần phục hồi sau khi chịu tác động bởi dịch tả lợn châu Phi. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng thịt lợn toàn cầu trong năm 2021 ước tăng 5% so với năm 2020, lên 101,5 triệu tấn. Tại Mỹ, sản lượng thịt lợn được dự báo gần như không thay đổi trong năm 2021, đạt 12,8 triệu tấn vì trọng lượng lợn nuôi giảm bù đắp lượng giết mổ gia tăng. Trung Quốc, EU, Brazil, Nga, Việt Nam, Mexico và Nhật Bản được dự báo sản lượng tăng 0,2-11,4% trong năm 2021.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Thy Lê