HTX Duy Đại Sơn được thành lập từ năm 2014. Với mô hình khép kín từ tạo giống đến chăn nuôi và tiêu thụ, HTX luôn chủ động trong sản xuất và cung ứng đủ nhu cầu thịt lợn sạch cho thị trường trong tỉnh. Đặc biệt, sản xuất sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường giúp mang lại nguồn thu trung bình khoảng 4 tỷ/năm cho HTX.
Giải pháp hiệu quả
Thực tế cho thấy, nuôi lợn truyền thống rất dễ bị dịch bệnh, còn nuôi theo hình thức chuồng lạnh khép kín lại giảm áp lực môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất lợn bị nhiễm bệnh. Chính vì vậy, HTX Duy Đại Sơn đã quyết định đầu tư trang trại theo hướng hiện đại.
Hệ thống chuồng lạnh khép kín được HTX phân chia làm 3 khu vực gồm: Khu xử lý thức ăn, khu nuôi và khu liên hợp hầm biogas xử lý phân, nước thải.
So với các mô hình sản xuất trên địa bàn huyện, trang trại chăn nuôi của HTX được đánh giá là hiện đại nhất với đầy đủ các trang thiết bị như hệ thống làm mát bằng nước, quạt hút gió, máng ăn, uống nước tự động, hệ thống tự động điều chỉnh nhiệt độ bên trong...
Lợn được nuôi trong phòng lạnh khép kín nên bảo đảm được năng suất và chất lượng. |
Mô hình chuồng trại lạnh khép kín, nhiệt độ luôn ở mức ổn định, đàn lợn ít bị mệt do ảnh hưởng nắng nóng, giúp lợn vận động tốt, ăn khỏe và tăng trưởng ổn định, ít tốn công chăm sóc. Hệ thống thu gom phân được đặt dưới sàn nên đàn lợn sạch sẽ, ít có khả năng bị nhiễm bệnh.
Theo Ban giám đốc HTX, hiện nay phương pháp chăn nuôi lợn trong chuồng lạnh khép kín ngày càng chiếm ưu thế và khẳng định tính hiệu quả vì giúp người chăn nuôi chủ động trong việc quản lý dịch bệnh, ít bị ảnh hưởng môi trường bên ngoài. Tuy ban đầu, nguồn vốn đầu tư tương đối lớn nhưng nếu biết liên kết và tận dụng các nguồn vốn khác nhau thì đây là hướng đi lâu dài trong hoạt động chăn nuôi và bảo vệ môi trường.
Anh Võ Ngọc Sơn, Giám đốc HTX, cho biết không chỉ giảm công lao động, hệ thống hầm biogas còn giúp HTX chỉ phải sử dụng 50% điện lưới, còn 50% điện còn lại được cung cấp từ hệ thống biogas của trại, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều.
Xây dựng chuỗi giá trị
Hiện, HTX đang duy trì 5.000 con lợn thịt và lợn nái. Đầu ra được liên kết với doanh nghiệp để tiêu thu theo hợp đồng. Toàn bộ quá trình chăn nuôi, chế biến được giám sát bởi đơn vị đo lường chất lượng tỉnh Quảng Nam nên chất lượng sản phẩm đều được bảo đảm khi đến tay người tiêu dùng.
Với vai trò hỗ trợ thành viên và người dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, HTX cũng đứng ra liên kết với các tổ hợp tác chăn nuôi trên địa bàn, thực hiện cung cấp đầu vào và hỗ trợ đầu ra cho các thành viên tổ hợp tác này. Đây là nền tảng vững chắc giúp HTX luôn bảo đảm số lượng hàng hóa lớn, đủ để cung cấp cho doanh nghiệp thường xuyên.
Với mối liên kết chặt chẽ và sự chủ động trong xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hoạt động của HTX không hề chịu tác động của thị trường, nhất là khi dịch bệnh xuất hiện hay giá lợn xuống thấp.
HTX Duy Đại Sơn đã hoàn thiện hệ thống giết mổ theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Đến nay, Duy Đại Sơn đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 30 lao động, bảo đảm thu nhập bình quân của người lao động và thành viên từ 6-15 triệu đồng/tháng.
HTX Duy Đại Sơn cũng là HTX đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam đăng ký hưởng ứng chương trình “mỗi địa phương mỗi sản phẩm”. HTX cũng nằm trong 5 chuỗi sản phẩm an toàn của tỉnh Quảng Nam.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện, phong trào chăn nuôi trên địa bàn huyện Duy Sơn thời gian qua được định hướng phát triển tập trung, quy mô lớn. Huyện cũng đã quy hoạch một số vùng chăn nuôi tập trung và khuyến cáo các doanh nghiệp vào đầu tư. Trong đó, nổi lên là HTX Duy Đại Sơn đang phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, có đầu ra rất ổn định. Đây là mô hình sản xuất thịt lợn sạch gắn với thị trường, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường.
Tùng Lâm