Nhiều năm nay, gia đình anh Hà Văn Đăng (xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn, Yên Bái) chủ yếu chăn nuôi lợn theo cách làm là ủ men nấu rượu, phụ phẩm từ nấu rượu làm thức ăn chăn nuôi. Với gia đình anh, việc hướng tới chăn nuôi liên kết rất khó khăn.
Ngại hợp tác với nhau
Anh Hà Văn Đăng chia sẻ, việc chăn nuôi theo hộ gia đình giúp mình có thể tận dụng được nguồn thức ăn tự ủ, còn chăn nuôi theo liên kết thì gia đình anh không đủ chi phí để mua thức ăn chăn nuôi, xây dựng chuồng trại kiên cố.
![]() |
Việc liên kết trong chăn nuôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. |
Không riêng gia đình anh Đăng, sau đợt dịch tả lợn châu Phi, việc tái đàn của xã Sơn Lương còn gặp nhiều khó khăn, chứ chưa nói tới chuyện liên kết.
Trước tình trạng chăn nuôi lợn theo mô hình nông hộ nhỏ lẻ vẫn chủ yếu, dịch bệnh tiềm ẩn, ông Hà Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Xuân Lương, cho biết việc thành lập tổ hợp tác, HTX được xem là yêu cầu cần thiết để thay đổi cách thức sản xuất. Song, đến nay quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, trong đó một phần do sự e ngại của người dân khi liên kết với nhau.
Tương tự, xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn, Yên Bái) vốn là địa phương có quy mô nuôi lợn đạt sản lượng lên đến 6.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, những rủi ro vẫn đang rình rập người chăn nuôi. Theo đó, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2021-2025, xã Thượng Bằng La đặt mục tiêu xây dựng liên kết chuỗi trong chăn nuôi bền vững.
Tuy nhiên, để mục tiêu tại Nghị quyết đi vào thực tế thì cần phải đẩy mạnh quá trình thực hiện. Như câu chuyện của hộ gia đình Bà Bằng - vốn là hộ chăn nuôi điển hình ở thôn Văn Tiên (Thượng Bằng La), mỗi năm chăn nuôi 200 con lợn thịt. Dù gia đình bà có kinh nghiệm nhưng cũng không tránh khỏi thất bại trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua. Bà cũng rất muốn xây dựng HTX cho chăn nuôi hiệu quả, nhưng không biết bắt đầu từ đâu.
Bà Bằng chia sẻ, cái khó nhất là mình bắt tay vào làm, có người hiểu thì muốn làm với mình, còn chưa hiểu thì sợ giá cả thị trường, dịch bệnh. Chăn nuôi đơn lẻ được đâu bán đó, giá rẻ người ta cũng bán. Do vậy, điều các hộ dân mong muốn là cơ quan chức năng cần hỗ trợ hướng đi cho bà con, nâng cao nhận thức rằng, chăn nuôi theo mô hình nào để nâng cao hiệu quả.
Cần sự vào cuộc của địa phương
Ông Hoàng Xuân Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La, cho biết cán bộ xã sẽ tìm hiểu tâm tư nguyện vọng bà con để khuyến khích xây dựng các mô hình như tổ hợp tác, HTX giúp các hộ liên kết với nhau. Địa phương xác định khó khăn nhưng sẽ vẫn phải làm, bởi đây là hướng đi bền vững.
![]() |
Làm sao để người nông dân thấy được lợi ích rõ từ việc chăn nuôi theo chuỗi liên kết là điều rất quan trọng. |
Huyện Văn Chấn có quy mô chăn nuôi hơn 10.000 con lợn mỗi năm. Trên địa bàn có 49 bản tại 6 xã thị trấn bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi. Hiện tại, tập trung hỗ trợ tái đàn cho bà con nông dân cần được đẩy mạnh nhưng về lâu dài là cần phải xây dựng các mô hình liên kết.
Ông Nông Ích Chẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cũng cho rằng, định hướng của địa phương là khuyến khích phát triển hình thành các mô hình chăn nuôi theo quy mô lớn, xây dựng các mối liên kết. Điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn dịch bệnh, đầu ra vững chắc cho người nông dân. Đây cũng là nhiệm vụ của địa phương này trong thời gian tới, làm sao để người nông dân thấy được lợi ích rõ từ việc chăn nuôi theo chuỗi liên kết, tự nguyện tham gia các mô hình tổ hợp tác, HTX để liên kết với các doanh nghiệp.
Thực tế đã cho thấy hiệu quả rõ nét từ việc chăn nuôi lợn theo mô hình liên kết. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị đầu vào mà còn giúp ngành chăn nuôi tránh được những rủi ro tiềm ẩn bởi dịch bệnh.
Nhưng không phải ở đâu, người chăn nuôi cũng ngại chuyện liên kết, nhiều địa phương đã cho thấy rõ hiệu quả của mô hình chăn nuôi liên kết. Cuối năm 2019, UBND xã Sơn Ba (Sơn Hà, Quảng Ngãi) - nơi có 90% dân số là đồng bào dân tộc H'rê sinh sống đã quyết định triển khai thực hiện dự án liên kết tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ lợn Ky (đây là loại lợn rừng lai với lợn bản địa, được gọi là đặc sản quý hiếm ở vùng miền núi) với 35 hộ dân.
Các hộ tham gia mô hình, ngoài việc được Trạm Khuyến nông huyện Sơn Hà tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và tự vệ sinh phòng bệnh ở lợn Ky, còn được DN liên kết cung ứng giống, vật tư, kỹ thuật, theo dõi suốt quá trình nuôi và chịu trách nhiệm thu mua sản phẩm với giá bao tiêu 140.000 đồng/kg lợn hơi.
Bà Lê Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ Hợp tác nuôi lợn ở Làng Rang, chia sẻ các hộ đã biết liên kết trong chăn nuôi bằng việc đóng góp ngày công, cùng nhau góp tiền làm chuồng nuôi nhốt tập trung, mỗi hộ góp từ 1-2 sào đất để trồng rau làm thức ăn cho lợn, phân công mỗi gia đình chăm sóc lợn 1 tuần theo hình thức xoay vòng.
Nhờ vậy, dù thời gian thành lập nhóm chưa lâu nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khiến bà con dân tộc H'rê vô cùng phấn khởi. Điều này sẽ góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho nhiều hộ dân trong thời gian tới.
Bài cuối: Bắt tay đưa sản phẩm vươn xa
Thy Lê