Hiện nay, bình quân mỗi lồng nuôi cá cho thu lãi khoảng từ 14 đến 15 triệu đồng/vụ. Đây là điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định sinh kế.
Những đổi thay tích cực
Gần mười năm trước thu nhập của gia đình anh Lò Văn La, xã Chiềng Ơn chủ yếu dựa vào làm nương, rẫy. Nhưng thấy mặt hồ thủy điện trên địa bàn diện tích rộng, môi trường nước bảo đảm, là điều kiện thuận lợi để nuôi cá lồng nên anh đã quyết tâm thực hiện.
Anh La cho biết, thời gian đầu gia đình anh nuôi hai lồng cá, sau vụ thu hoạch đầu thấy hiệu quả nên đầu tư thêm hai lồng nữa. Ðến nay, gia đình đang nuôi khoảng 30 lồng cá. Ðiều đáng nói là cá có thị trường tiêu thụ ổn định được các nhà hàng và thương lái đăng ký trước.
“Hiện nay, bình quân mỗi vụ (18 tháng) một lồng cá cho thu hoạch khoảng hơn 1,5 tấn cá. Với 30 lồng, mỗi vụ gia đình tôi thu nhập khoảng ba tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 900 triệu đồng", anh La phấn khởi cho biết.
Ba năm trước, anh Lâm Ðức Ðộ từ thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) chuyển vào xã Chiềng Ơn để nuôi cá lồng khi thấy hiệu quả mà mô hình này mang lại.
Sản phẩm cá nuôi ở lòng hồ Thủy điện Sơn La sạch, chất lượng nên thu hút được sự quan tâm của thương lái và người tiêu dùng. |
"Ðến nay, gia đình tôi nuôi 51 lồng cá trắm, chép, rô phi, tầm..., bình quân mỗi vụ thu hoạch khoảng từ 45 đến 50 tấn cá, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội. Với giá bán bình quân khoảng 90 nghìn đồng/kg cá, gia đình tôi thu lãi hơn một tỷ đồng/vụ", anh Độ nói.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai La Văn Luân cho biết, để bảo đảm nghề nuôi cá lồng phát triển tốt, thời gian tới huyện sẽ tăng cường tập huấn kỹ thuật nuôi cá ao và kỹ thuật nuôi cá lồng cho nhân dân nhằm chuyển sang hướng nuôi thâm canh cao. Bên cạnh đó, tổ chức thành lập các tổ công tác xuyên suốt từ huyện xuống xã về quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Ðồng thời, thực hiện quản lý việc sử dụng con giống có chất lượng tốt, đặc biệt con giống phù hợp nuôi lồng như: cá trắm, lăng, tầm, chép, rô phi...
Cùng với đó mở rộng nuôi một số loài có giá trị kinh tế cao như cá tầm, lăng chấm, chiên, nuôi trai lấy ngọc. Trong đó, tập trung nuôi tại các xã Chiềng Ơn, Chiềng Bằng, Nặm Ét, Mường Giàng, chủ động con giống tại địa phương bằng cách ươm giống tại các ao ở các xã Chiềng Khoang, Mường Giàng.
Hỗ trợ các HTX, THT nuôi trồng thủy sản
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Sơn La, toàn tỉnh hiện có 667 HTX, trong đó lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản là 576 HTX, gồm 280 HTX trồng cây ăn quả, 40 HTX chăn nuôi, 35 HTX trồng rau, 63 HTX thuỷ sản, 12 HTX dược liệu, 129 HTX nông nghiệp tổng hợp, 06 HTX chè, 08 HTX cà phê, 03 HTX ong…
Năm 2020 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh ước đạt 2.792 ha, tăng 8,7% so với năm 2015, sản lượng ước đạt 8.826 tấn, giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 121 triệu đồng/ha, tăng 33,6% so với năm 2015.
Ông Vũ Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La cho biết, để hỗ trợ tích cực cho các HTX nuôi trồng thủy sản, giai đoạn 2017-2021, tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, nhiều HTX, hộ dân khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu đã đẩy mạnh nghề nuôi nuôi cá lồng, nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Hàng trăm lồng cá trên lòng hồ thủy điện đã giúp cho người dân thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. |
Tính đến nay, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ tiền làm 2.828 lồng cá với số tiền hơn 14 tỷ 140 triệu đồng cho trên 50 doanh nghiệp, HTX. Cùng với đó, bằng những nguồn vốn khác nhau, tỉnh Sơn La đã tổ chức thả trên 1.764.000 con cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các hồ chứa; tổ chức các đợt phổ biến, tuyên truyền quy định của Nhà nước trong khai thác thủy sản cũng như tác hại của việc khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
“Sơn La cũng có phương án nâng cấp và khai thác có hiệu quả các cơ sở hạ tầng như các bến cá tại các xã Mường Giàng, Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn, Chiềng Bằng nhằm đưa sản phẩm tiêu thụ rộng rãi trên thị trường lưu thông bằng đường bộ và đường thủy”, ông Vinh nói.
Ngoài ra, tạo điều kiện hỗ trợ các HTX chế biến cá từ các sản phẩm cá khai thác cá nuôi lồng, tập trung quản lý và phát triển thương hiệu "cá sông Ðà Sơn La", tiếp tục đánh giá các cơ sở nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm nâng cao giá trị cá nuôi lồng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Sơn la cũng chỉ đạo các sở ngành như Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ các HTX đưa sản phẩm đi trưng bày tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ cá sông Ðà...
Có thể thấy, với sự giúp sức từ các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản, các HTX nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La đã kết nối được người dân, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế lòng hồ thủy điện Sơn La trong phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Từ đó, từng bước xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Phạm Duy