Phát huy giá trị nghề truyền thống
Trong ngôi nhà dài truyền thống dân tộc Ê Đê vừa làm nơi dệt thổ cẩm, vừa là nơi đón khách của HTX vẫn rộn rã tiếng cười, tiếng nói hòa lẫn tiếng khung dệt vải lạch cạch làm cho không khí lao động ở đây thêm rộn ràng.
Bà H’Yam B’Krông, Giám đốc HTX cho biết, tất cả thành viên, người lao động tại HTX trước đây đều thuộc diện nghèo. Khi vào HTX, chị em được dạy nghề và có việc làm thường xuyên với thu nhập tối thiểu 2,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh việc duy trì hoạt động của HTX đã góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương, HTX còn góp phần giữ gìn nghề truyền thống của đồng bào Ê Đê.
Hướng dẫn các thành viên, người lao động dệt từng chi tiết hoa văn trên các sản phẩm thổ cẩm để kịp giao cho khách hàng xong, bà H’Yam chia sẻ, đồng bào dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ làm chủ gia đình. Một trong những công việc chính của người phụ nữ là dệt thổ cẩm để lo cái mặc cho toàn bộ các thành viên trong gia đình. Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó bao đời nay với người phụ nữ.
Bà H'Yam Bkrông, Giám đốc HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông (người ngồi giữa) hướng dẫn người lao động dệt thổ cẩm dân tộc Ê Đê. |
Tuy nhiên, những năm gần đây, nền công nghiệp của đất nước ngày càng phát triển nhanh chóng, người lao động có thu nhập cao hơn, trong khi nhiều sản phẩm được bày bán với giá rẻ hơn 50% so với sản phẩm dệt truyền thống nên nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Ê Đê ngày bị mai một. Nhiều người không còn mặn mà với sản phẩm thổ cẩm nữa, trong khi đó nhiều phụ nữ Ê Đê trong buôn, trong xã biết dệt nhưng lại thiếu việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn. Trăn trở phải làm sao vừa gìn giữ, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc, vừa giúp phụ nữ trong buôn có thêm thu nhập, thoát cảnh đói nghèo, ổn định cuộc sống từ nghề dệt thổ cẩm cứ mãi đeo bám bà.
Năm 2003, bà H’Yam quyết định đứng ra thành lập HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông với 45 thành viên tham gia góp vốn, thu hút 100 lao động đều là người dân tộc Ê Đê. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, bên cạnh duy trì dệt thủ công, HTX đã đầu tư 8 máy dệt công nghiệp để tăng năng suất, đồng thời cải tiến mẫu mã, hoa văn sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Bà H’Yam nhớ lại, ngày đầu thành lập, bà đã rong ruổi khắp buôn Tơng Jú và các buôn lân cận của xã Ea Kao vận động phụ nữ có tay nghề tham gia HTX để phát triển nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình. Lúc đó, có 10 phụ nữ tham gia nhưng do đời sống còn gặp nhiều khó khăn cho nên chỉ có 3 thành viên góp vốn, số còn lại chỉ đóng góp từ 50.000 - 100.000 đồng.
“Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, HTX đã nhờ những nghệ nhân trong buôn trực tiếp truyền dạy nghề; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ mở 2 lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm và tạo điều kiện cho vay vốn 200 triệu đồng để mua nguyên liệu, khung dệt…”, bà H’Yam nói.
Từng bước đưa thổ cẩm vươn xa thị trường
Ngoài ra, bà H’Yam cùng các thành viên Ban quản trị HTX tích cực học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm đa dạng về mẫu mã, hoa văn. Với tình yêu nghề truyền thống, bà H’Yam và các thành viên HTX kiên trì ra Bắc vào Nam tìm kiếm, mở rộng thị trường, thuyết phục khách hàng, nhất là chủ các quầy bán hàng lưu niệm tại các khu, điểm du lịch, các hội chợ thương mại...
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng, giá thành sản phẩm rẻ, cạnh tranh được với thổ cẩm của các dân tộc khác, năm 2016 - 2017, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thêm 5 máy dệt và các máy xếp sợi, máy cuộn thoi, máy cuộn sợi… phục vụ sản xuất. Theo bà H’Yam, dù sản phẩm của HTX được cải tiến, mẫu mã thay đổi thường xuyên nhưng nền mầu đen và họa tiết mầu đỏ sẽ mãi không thay đổi vì đó là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Ê Đê.
Sau 18 năm thành lập và phát triển, đến nay, các thành viên HTX đều biết dệt thành thạo với các sản phẩm, mẫu mã đa dạng, phong phú như y phục nam nữ, túi xách, cà vạt, khăn trải bàn, túi đựng hạt thơm, gối tựa lưng, áo dài, quần áo trẻ em… Sản phẩm của HTX có đầu ra ổn định tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.HCM...
|
Dệt khăn thổ cẩm tại HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông. |
Với chất lượng sản phẩm tốt và hoa văn tinh xảo, HTX còn được mời tham gia nhiều hội thi trang phục các dân tộc. Sản phẩm của HTX được lựa chọn trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Bình quân trong 2 năm 2019-2020, doanh thu của HTX đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/năm, thu nhập của thành viên và người lao động trung bình từ 3,2 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập này đã góp phần giúp các thành viên, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời giữ gìn được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ê Đê.
Ngoài nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tận dụng những lợi thế của địa phương về phát triển du lịch, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông còn xây dựng trang trại nuôi hơn 2.000 con gà thả vườn và khoảng 300 con lợn. Đồng thời, HTX mạnh dạn đầu tư xây dựng khu du lịch cộng đồng trên địa bàn buôn Tơng Jú với 3 nhà sàn trưng bày nhạc cụ, vật dụng lao động sản xuất, dụng cụ dệt vải, dụng cụ săn bắt của đồng bào Ê Đê...
“Khách du lịch đến đây vừa được thực hành dệt thổ cẩm, được tham quan trải nghiệm đời sống, vừa được thưởng thức món ăn truyền thống của người Ê Đê và say sưa trong tiếng cồng, tiếng chiêng, trong hương men rượu cần ngây ngất do chính bàn tay của các thành viên HTX làm ra”, bà H’Yam phấn khởi cho biết.
Phạm Duy
Bài cuối: Góp phần giảm nghèo trên vùng đất Bazan