Trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống gắn với phát triển du lịch. Theo đó, các di tích được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo đã thực hiện tốt vai trò giáo dục văn hóa, lịch sử. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là về di sản ngày càng chặt chẽ, bài bản và chuyên nghiệp hơn.
Nâng chất dịch vụ để tạo sức hút
Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, để phục vụ phát triển du lịch, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống, tổ chức định kỳ các cuộc giao lưu văn hóa, liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc.
Cần đa dạng dịch vụ, thêm sức hút cho hoạt động du lịch tỉnh Đắk Lắk. |
Có thể kể đến các lễ hội nổi bật như như hội voi và Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn, lễ hội Lồng tồng tại huyện Cư M’gar, lễ hội vật tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), lễ hội dân gian Việt Bắc tại huyện Krông Năng, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar…
Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được Chính phủ đồng ý tổ chức định kỳ hai năm một lần đã trở thành sự kiện văn hóa lớn của tỉnh, thu hút hàng chục nghìn lượt du khách. Ngoài ra, tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên biểu diễn các chương trình cồng chiêng phục vụ khách du lịch…
Cùng với bảo tồn các giá trị văn hóa, ngành nghề truyền thống, công tác đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực cho người dân làm du lịch cũng được tỉnh chú trọng.
Trong năm 2020, ngành văn hóa tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kiến thức xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay cho người dân, trong đó tập trung nâng cao kỹ năng giao tiếp, marketing, chăm sóc và phục vụ khách du lịch.
Các hộ làm du lịch cũng được học cách tổ chức, dàn dựng chương trình văn nghệ dân gian, văn hóa cồng chiêng phục vụ du lịch, nâng cao kỹ năng chế biến món ăn phục vụ khách du lịch, phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường và văn hóa địa phương, nhằm xây dựng và tạo ra sản phẩm du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay đặc thù, đạt chất lượng phục vụ du khách.
Chị H Tit Alio, buôn Ako Dhông, TP. Buôn Ma Thuột cho hay, sau khi tham gia tập huấn, chị đã được trang bị thêm nhiều kiến thức thực tế và có cái nhìn rõ ràng hơn về du lịch cộng đồng. Từ đó, chị hình dung cụ thể hơn cách xây dựng mô hình du lịch cộng đồng phù hợp với gia đình và buôn làng mình.
"Buôn chúng tôi hiện tại đang gìn giữ nhà sàn, cây nêu, bộ cồng chiêng, ché, cách dệt, rồi các sử thi khác nữa. Ở các lớp học, chúng tôi đã cố gắng tiếp thu những kiến thức cần thiết nhất, để có thể xâu chuỗi và triển khai một cách rõ ràng, chính xác. Với kiến thức vững, tôi có thể giới thiệu chi tiết, rõ ràng cho du khách trong và ngoài nước", chị H Tit Alio chia sẻ.
Đầu tư đồng bộ, có trọng điểm
Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, bên cạnh gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao trình độ nhân lực làm du lịch, những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới và chương trình hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc miền núi.
Tỉnh Đắk Lắk sẽ đẩy mạnh các giải pháp theo hướng trọng điểm để tạo nên cú hích cho du lịch cộng đồng. |
Cụ thể, Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã tổ chức khảo sát thực tế tại các buôn làng thuộc các huyện Buôn Đôn, Cư Mgar và TP. Buôn Ma Thuột để lựa chọn những địa điểm phù hợp xây dựng tour, tuyến du lịch cộng đồng.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tập trung phát triển du lịch cộng đồng tại vùng của người Êđê, Mnông và Jrai hoặc Xơ Đăng. Trước mắt, mô hình này sẽ được tập trung tại một số buôn ở TP. Buôn Ma Thuột như buôn Tuôr, buôn Akô Dhông, bởi đây là những buôn đã có nền tảng sẵn và người dân đã sẵn sàng tham gia làm du lịch.
Bà Phương Hiếu khẳng định: "Buôn Ako Dhông sẽ là địa phương được chọn làm điểm để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, khi mà người dân đã sẵn sàng thì Nhà nước sẽ cùng thực hiện. Để tăng hiệu quả, tạo sức hút với du khách, cần phải có sự đồng hành của cả chính quyền và người dân, đặc biệt là sự tham gia của các HTX, doanh nghiệp”.
Rõ ràng, với những lợi thế về điều kiện tự nhiên và sự đa dạng bản sắc văn hóa, Đắk Lắk có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Tuy mới đưa vào khai thác trong vài năm trở lại đây, nhưng loại hình du lịch này đã có đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Trong thời gian tới, để xây dựng được các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng, tạo sức hút mạnh mẽ, góp phần thu hút lượng khách tới tham quan du lịch tăng nhanh, tỉnh sẽ chú trọng vào 4 giải pháp.
Thứ nhất, xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để làm cơ sở đầu tư và kêu gọi đầu tư thực hiện đề án.
Thứ hai, tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và chính quyền địa phương. Sự hưởng ứng tích cực của các HTX, tổ chức, doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành và cộng đồng dân cư vào việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
Thứ ba, đầu tư phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn, tôn tạo những giá trị văn hóa, lịch sử bản địa, ổn định cuộc sống của người dân trong vùng dự án, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, cộng đồng cư dân nơi du lịch phát triển phải được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch cộng đồng.
Thứ tư, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng cần phong phú và đa dạng, đáp ứng được nhu cầu chủ yếu của khách du lịch, thu hút được các HTX, doanh nghiệp đầu tư về dịch vụ như hướng dẫn viên, ẩm thực, lưu trú, nhất là lưu trú tại nhà dân (homestay)…
Mỹ Chí