Tại xã Hoà Đông, huyện Krông Pắc, HTX dịch vụ nông nghiệp Ecomart được biết tới là một trong những điểm sáng về sản xuất cà phê bền vững tỉnh Đắk Lắk. 4 năm qua, HTX giúp cho hơn 300 đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định. Liên kết với DN, hướng dẫn thành viên sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn.
HTX tạo sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số
Một HTX khác cũng được nhiều người nhắc tới là HTX nông nghiệp và dịch vụ Công Bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), HTX được thành lập vào tháng 8/2015 với 49 thành viên, chủ yếu là đồng bào DTTS, diện tích sản xuất 60ha cà phê. Đến nay, HTX mở rộng diện tích liên kết sản xuất với gần 200 thành viên là đồng bào DTTS ở xã Ea Tu với diện tích hơn 200ha cà phê.
HTX nông nghiệp đang phát huy hiệu quả vai trò liên kết giữa bà con dân tộc thiểu số và doanh nghiệp. |
Theo ông Trần Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Công Bằng Ea Tu, những năm gần đây, trước tình hình giá cà phê giảm mạnh, bất lợi cho nông dân nên HTX đã chủ động chuyển sang sản xuất cà phê sạch theo chứng chỉ Fairtrade và gần đây sản xuất, chế biến thêm cà phê đặc sản.
Đặc biệt, HTX nông nghiệp và dịch vụ Công Bằng Ea Tu đảm nhận từ khâu cung ứng vật tư đầu vào đến quy trình sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Tương tự, sau khi được địa phương cử tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp bền vững, chị Triệu Thị Châu (thôn 3, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) và nhiều trí thức người Dao ở địa phương bàn bạc, đề xuất với các cơ quan chức năng thành lập một mô hình để liên kết sản xuất cà phê, hồ tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương. Tháng 8/2016, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Minh được thành lập, đến nay HTX đã có 27 thành viên là người Dao.
Hiện nay, HTX Bình Minh có hơn 100 ha cà phê có trồng xen canh hồ tiêu, bơ, sầu riêng…Vụ thu hoạch năm 2020, HTX Bình Minh đã thu về sản lượng cà phê xấp xỉ 165 tấn; bơ 35 tấn; sầu riêng gần 100 tấn; tiêu 155 tấn…
Toàn bộ sản phẩm cà phê của nông dân trong HTX sau khi thu hoạch được phơi sấy theo quy trình khoa học nên được nhiều khách hàng tin cậy đặt mua. Hiện nay, HTX Bình Minh đang mở rộng thêm dịch vụ sấy cà phê, mở đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu mua sản phẩm nông nghiệp, tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái…
Hiện, thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình đạt từ 200 - 400 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã sắm được ô tô và các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Xuất khẩu với hàm lượng công nghệ cao
Ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Suê, huyện Cư M’gar nhận xét: "Tuy mới thành lập gần 5 năm, HTX Bình Minh với nòng cốt là các tri thức trẻ, con em người dân tộc địa phương đã tiên phong trong sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần thay đổi tập quán, canh tác của đồng bào. Điều đáng mừng là người dân đã tạo ra được sản phẩm nông nghiệp sạch, quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là định hướng phát triển sản xuất của địa phương trong tương lai".
Ông Lê Đức Huy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho hay thời gian gần đây một số DN thực hiện liên kết với bà con DTTS thông qua HTX để xây dựng vùng cà phê bền vững, tạo hệ thống chất lượng, đem lại sự tin cậy cho người mua. Sản phẩm cà phê trong nước được hái chín nhiều hơn, phơi tốt hơn, điều này giúp giá tăng hơn 30% so với cà phê thông thường.
Ngành cà phê của Đắk Lắk đang chuyển dần sang xuất khẩu với hàm lượng công nghệ cao. |
Để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân khi sản xuất đúng nguyên tắc theo tiêu chuẩn, quy trình... cứ 1kg cà phê tươi có lượng quả chín trên 90% được các HTX, DN bao tiêu, thu mua cao hơn thị trường 4.000 - 5.000 đồng/kg. Chính vì thế sản lượng cà phê nhân ở Đắk Lắk luôn có kích cỡ hạt, màu... đồng đều, ít lỗi. Cà phê chất lượng cao nên bán giá cũng cao hơn 5-10% so với thị trường.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, ngành cà phê của địa phương đang chuyển dần sang xuất khẩu với hàm lượng công nghệ cao, tỉnh sẽ chú trọng nâng cao chất lượng hơn nữa để tìm tới các thị trường khó tính, thu về giá trị cao hơn.
Đặc biệt, trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, mở ra cơ hội lớn với ngành cà phê nhưng cũng đặt ra những thách thức không hề nhỏ. Các chương trình cà phê bền vững có chứng nhận, siết chặt lại các quy trình tiêu chuẩn, đồng thời các công ty lớn trên thế giới đang thay đổi về chiến lược... Theo đó, việc tổ chức sản xuất theo chuỗi sẽ đáp ứng được những điều kiện trên.
Thy Lê
Bài cuối: Phát triển thành vùng nguyên liệu đạt chuẩn lớn nhất