Với lợi thế về đất đai, Đắk Lắk là địa phương có diện tích trồng cà phê vối đứng đầu cả nước với 208.000ha, sản lượng trên 476.000 tấn, xuất khẩu trên 210.000 tấn. Sản lượng cà phê được đánh giá là có quy mô lớn nhưng sản phẩm qua chế biến, nhất là sản phẩm tinh chế, chế biến sâu còn chiếm tỷ lệ rất thấp.
Kêu gọi DN vào đầu tư
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, địa phương đã kêu gọi thu hút được một số nhà đầu tư đến tỉnh để xây dựng các nhà máy chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khoảng 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản đang hoạt động hiện nay ở Đắk Lắk thì số lượng các cơ sở chế biến chủ yếu là cà phê, với 220 cơ sở.
Đắk Lắk đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành cà phê. |
Việc hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ trong thời gian qua cũng đã triển khai và có sự chuyển biến. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện có rất ít DN đầu tàu, DN lớn có thể đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người dân, HTX.
Theo đó, thời gian tới, địa phương này sẽ đẩy mạnh tạo điều kiện thu hút DN nông nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản, cà phê... Cụ thể, địa phương tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đơn giản gọn nhẹ các thủ tục đầu tư dự án, tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng để thu hút DN, đặc biệt là các DN lớn có tiềm lực mạnh tham gia đầu tư vào nông nghiệp.
"Đẩy mạnh chế biến nông sản sẽ giúp cho người nông dân, HTX, tổ hợp tác tiêu thụ được sản phẩm, giải quyết bài toán được mùa mất giá, tạo ra nhiều sản phẩm nông sản có chất lượng, có giá trị gia tăng cao hơn, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh", ông Dương nói, đồng thời nhấn mạnh, ở trong vùng đồng bào DTTS, việc tham gia của DN sẽ giúp cho bà con nhận thấy rõ lợi ích từ việc thay đổi cách thức sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị cây cà phê.
Do vậy, theo ông Nguyễn Hoài Dương, thời gian tới địa phương này sẽ tập trung một số nội dung như công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của bà con DTTS về cách canh tác cà phê đạt chất lượng. Bên cạnh đó, làm tốt đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là tập trung vào đồng bào DTTS, mỗi năm tổ chức 50-70 lớp học, thay đổi tư duy, chuyển sang làm nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Xây dựng vùng nguyên liệu lớn
Ông Dương đặt vấn đề: Làm sao để đồng bào DTTS ở tỉnh Đắk Lắk thay đổi nhận thức từ sản xuất manh mún sang tham gia nhiều tổ chức kinh tế hợp tác, HTX. Trên thực tế, hiện nay ở nhiều vùng, HTX là tổ chức do người DTTS đảm nhiệm các khâu từ trồng, thu hái tới sơ chế, chế biến cà phê...
Xây dựng Đắk Lắk trở thành vùng chuyên canh cà phê lớn nhất cả nước. |
Tháng 4/2021, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định 1392 phê duyệt Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Đắk Lắk là một trong 8 địa phương được lựa chọn để phát triển cà phê đặc sản.
Cụ thể, phát triển cà phê vối đặc sản tại 5 xã thuộc 3 huyện/thành phố gồm gồm: Huyện Krông Năng (xã Ea Tân, Ea Toh); huyện Krông Pắc (Hòa An, Ea Yông) và thành phố Buôn Ma Thuột (xã Ea Tu), với tổng diện tích khoảng 1.060 ha vào năm 2025 và 2.120 ha vào năm 2030. Sản lượng dự kiến khoảng 560 tấn vào 2025 và 1.500 tấn vào năm 2030. Đây đều là những địa phương tập trung đông đồng bào DTTS.
Theo đó, việc phát triển cà phê đặc sản sẽ được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Khuyến khích các trang trại, hộ sản xuất hình thành tổ hợp tác/HTX nhằm liên kết với DN trong thu mua nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, trao đổi kỹ thuật sản xuất, tiếp cận/chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê đặc sản. Đào tạo, tập huấn về sơ chế, bảo quản, chế biến sâu cà phê cho người sản xuất, doanh nghiệp, HTX.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT đang gấp rút xây dựng đề án thí điểm phát triển 5 vùng nguyên liệu nông sản, được trải dài từ Bắc vào Nam với tổng diện tích khoảng 26.000ha. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk tập trung phát triển cà phê. Đây là các vùng nguyên liệu lớn để cung cấp cho DN đủ số lượng và chất lượng đảm bảo cho xuất khẩu.
Tái canh cây cà phê theo hướng sản xuất bền vững là mục tiêu của nhà quản lý và cũng là mong muốn của nông dân. Tuy nhiên, theo phản ánh của người nông dân, đặc biệt là đồng bào DTTS ở Đắk Lắk thì một trong những vấn đề cần tháo gỡ là giúp họ tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, Sở NN&PTNT Đắk Lắk kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước có cơ chế tín dụng đặc thù cho tái canh cà phê. Trong đó, ngoài việc ưu đãi hơn về cơ chế lãi suất còn có các cơ chế như: mức cho vay lên đến 80% nhu cầu vốn, thời gian cho vay, thời gian ân hạn trả gốc, trả lãi đủ dài... để tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích hộ dân tham gia thực hiện trồng tái canh cây cà phê.
Thy Lê