Cư M’gar là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, với gần 50% dân cư là người dân tộc thiểu số. Hầu hết các hộ sống bằng nghề nông, lâm nghiệp, nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất hạn chế.
Tuy nhiên, không lùi bước trước khó khăn, huyện đã chủ động lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ, tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề nâng cao kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi cho người dân, ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập.
Chuyển biến tích cực
Một trong những cách làm hiệu quả của huyện Cư M'gar là thường xuyên kiểm tra, rà soát số hộ nghèo trên địa bàn, đồng thời tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói ở từng gia đình, mỗi thôn, bản để từ đó đưa ra giải pháp giúp người dân vươn lên.
Chương trình "ngân hàng bò" đang mở hướng thoát nghèo cho nhiều hộ dân tộc thiểu số ở Cư M'gar. |
Không chỉ được quan tâm hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất, huyện Cư M'gar còn giao cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc tín chấp với các ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất.
Đặc biệt, huyện chủ động thực hiện công tác giám sát, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay tại địa phương, thường xuyên tuyên truyền, nhân rộng các mô hình điểm trong phát triển kinh tế để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, nhất là vùng đồng bào thiểu số.
Xã Cư M’Gar là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Cư M’Gar. Xã có hơn 1.220 hộ dân, trong đó gần 70% người dân là dân tộc thiểu số.
Gia đình ông Ma Văn Toán, dân tộc Tày, ở thôn 6, xã Cư M’gar trước đây là một trong hàng trăm hộ nghèo của địa phương, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn do nhà đông con, đất sản xuất ít.
Kể từ năm 2017 đến nay, được xã chọn hỗ trợ về nhà ở và vay nguồn vốn ưu đãi từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar, gia đình ông có động lực làm ăn và vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Đến nay, với hơn 6 sào đất trồng cây, kết hợp chăn nuôi thêm 2 con bò, chim bồ câu, nhờ ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bình quân mỗi năm, tôi thu về 40 - 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Năm 2019, gia đình tôi chính thức thoát nghèo, thu nhập ngày càng ổn định hơn”, ông Toán nói.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo mới nhất của UBND xã, trên địa bàn hiện chỉ còn 105 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 4,95%), giảm 122 hộ so với năm 2015, bình quân mỗi năm giảm được 24 - 25 hộ nghèo.
Nhiều thôn, buôn ở xã Cư M’gar có tỷ lệ hộ nghèo thấp, như thôn 5 có số hộ nghèo chỉ chiếm 2,86%, thôn 3 là 2,8%, thôn 6: 3,3%, buôn B’ling: 3,42%…
Tìm "chìa khóa" giảm nghèo
Xã Ea Drơng cũng đang là điểm sáng trong công tác hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, gia tăng giá trị nông sản. Đặc biệt, hiệu quả của nguồn vốn chính sách đang trở thành động lực giúp hàng chục hộ dân địa phương thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Các chính sách giảm nghèo bền vững sẽ được huyện triển khai theo cả chiều rộng và chiều sâu. |
Điển hình, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh Y Sung Ayun, dân tộc Ê Đê, buôn Tah B, xã Ea Drơng, đã thoát được cảnh nghèo đói, tự tin phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Anh Y Sung cho biết, năm 2013, khi mới cưới, vợ chồng anh chỉ có 3 sào cà phê già cỗi. Được sự hỗ trợ từ địa phương, anh mạnh dạn vay 10 triệu đồng theo diện hộ nghèo để đầu tư cải tạo vườn cà phê.
Nhờ chăm chỉ làm lụng, năm 2017, anh Y Sung trả hết nợ và vay tiếp 30 triệu đồng mua thêm đất, cây giống mở rộng sản xuất. Cuối năm 2020, gia đình anh đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Quyết tâm vươn lên làm giàu, mới đây, tranh thủ nguồn vốn vay 50 triệu đồng hỗ trợ cho hộ mới thoát nghèo, anh Y Sung tiếp tục đầu tư chăm sóc 1 ha cà phê, trồng cây ăn trái và nuôi heo, gà.
“Việc ngân hàng cho vay bổ sung nguồn vốn trong thời điểm dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đã giúp gia đình tôi có điều kiện tái sản xuất, duy trì hoạt động chăn nuôi phù hợp. Hiện giờ, gia đình tôi đã có nguồn thu ổn định, không lo tái nghèo, tự tin vươn lên làm giàu”, anh Y Sung cho hay.
Kết quả thực tế cho thấy, các chính sách xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn huyện Cư M’gar đang đi đúng hướng, mở ra những cơ hội bứt lên cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư M’ga cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 42.450 hộ gia đình, 192.382 nhân khẩu, với 25 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 47%.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các chương trình, dự án về xóa đói, giảm nghèo bền vững, cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong huyện không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn khoảng 3,34%.
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, những năm qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đa dạng hóa việc huy động nhiều nguồn lực như lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; vốn ngân sách địa phương cân đối; vốn huy động cộng đồng, HTX, doanh nghiệp.
Huyện cũng nhân rộng các mô hình kết nghĩa (các xã liên kết với nhau), triển khai sâu rộng cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” để hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất và giảm nghèo. Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, triển khai dự án chăn nuôi bò thịt, nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo…
Về lâu dài, huyện đang tích cực triển khai những chính sách như tạo công ăn việc làm, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để bảo đảm công tác thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh việc tranh thủ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, tận dụng nội lực của địa phương, huyện cũng sẽ chú trọng nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sản xuất, tư duy kinh tế của bản thân hộ nghèo, cận nghèo…
Nhật Minh
Bài 2: Khởi sắc nông thôn mới