Sơn Động đang là huyện đi đầu của tỉnh Bắc Giang trong phát triển sản xuất cây dược liệu. Toàn huyện hiện có có 41ha cây dược liệu, với các giống hiệu quả cao như kim tiền thảo, ba kích, nghệ, ngải Đài Loan... tập trung ở các xã An Bá, Yên Định, Tuấn Đạo, Tuấn Mậu, Thanh Luận.
Cầu nối liên kết người nông dân
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều HTX dược liệu trên địa bàn huyện được thành lập, trở thành cầu nối liên kết thành viên, người nông dân trong sản xuất, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế.
Dược liệu đang là cây thế mạnh của huyện, được các HTX liên kết phát triển, nâng cao giá trị. |
Điển hình có thể kể đến HTX nấm dược liệu Sơn Động. Bắt đầu với 4.000 bịch nấm linh xanh từ năm 2015, đến nay HTX đã thu hút được 150 hộ thành viên tham gia, trong đó có trên 50% là người dân tộc thiểu số, lợi nhuận bình quân đạt 400 triệu đồng/năm.
Ông Nông Văn Rót, Giám đốc HTX cho biết, so với sản xuất các loại cây trồng truyền thống như lúa, ngô, trồng rau màu, thì trồng nấm dược liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, có ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập gấp 2 - 3 lần.
“Liên kết với HTX, thành viên được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật mới, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời được hỗ trợ các dịch vụ đầu vào, thị trường tiêu thụ, giúp người dân yên tâm sản xuất, thoát nghèo, làm giàu”, ông Rót nhấn mạnh.
Không chỉ trong trồng cây dược liệu, các HTX, tổ hợp tác cũng đang ghi dấu ấn ở nhiều lĩnh vực nông nghiệp khác của huyện. Đơn cử như HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động được thành lập từ năm 2014, đến nay có 60 thành viên với hơn 5.000 đàn ong, chiếm 40% tổng số đàn ong của toàn huyện.
Nhờ sản xuất khoa học, năm 2015, HTX được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp nhãn hiệu tập thể Mật ong rừng Sơn Động, cấp sử dụng mã số, mã vạch và giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. HTX đã phối hợp với huyện tổ chức dạy nghề nuôi ong cho gần 1.000 hộ dân trong huyện.
Với thành công đang có, HTX mật ong Sơn Động đang là một trong những đơn vị đầu tàu phát triển thế mạnh nuôi ong mật trên địa bàn huyện Sơn Động, mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng, tạo điều kiện xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
Gia đình bà Hoàng Thị Linh, người dân tộc Nùng, xã Tuấn Đạo, nhờ được hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo, cùng sự đồng hành của HTX, đã phát triển thành công mô hình nuôi ong theo tiêu chuẩn hữu cơ, mang lại thu nhập ổn định.
“Với sự hỗ trợ của HTX, tôi đang phát triển 200 đàn ong, thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm. Nuôi ong không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, chỉ cần xây dựng vùng nguyên liệu sạch, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng tốt là có lãi”, chị Linh chia sẻ.
Điểm tựa phát triển bền vững
Bên cạnh mật ong rừng, rượu men lá cũng đang là sản phẩm thế mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Với vai trò đầu tàu, HTX Thảo Mộc Linh đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hoàn thiện các thủ tục đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Big C miền Bắc và các điểm du lịch, lễ hội.
Các sản phẩm thế mạnh sẽ tiếp tục được huyện nâng tầm để mang lại thu nhập cao hơn cho người dân. |
Ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Động cho biết, việc thúc đẩy sản phẩm thế mạnh của huyện đang mang lại kết quả khả quan, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của các xã, thị trấn. Không chỉ tập trung vào chất lượng, các sản phẩm được chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp như thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, bao bì sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ...
“Những thành công trong phát triển sản phẩm thế mạnh, với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác đã và đang tạo đà cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nâng cao giá trị sản xuất”, ông Kiên khẳng định.
Trong kế hoạch phát triển đến năm 2025, huyện sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, đào tạo nghề. Đặc biệt là phối hợp với các doanh nghiệp, HTX, cơ quan thông tin đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Đồng thời, trong thời gian tới, huyện sẽ hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác sử dụng các mạng xã hội, internet, tiến tới xây dựng các trang web hiện đại để đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước, góp phần tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bài 3: Thúc đẩy "công nghiệp không khói"
Nhật Minh