Nhờ áp dụng hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là về vốn, kỹ thuật sản xuất, những năm gần đây, cộng đồng người H'Mông, Dao, Nùng, Tày… ở Vị Xuyên đang từng bước nâng cao năng suất lao động, từ đó chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt.
Giảm nghèo từ cây chè
Cao Bồ là xã vùng III của huyện Vị Xuyên, có hơn 700 hộ dân với xấp xỉ 4.000 khẩu sinh sống ở 11 thôn bản, chủ yếu là người Dao; tỷ lệ hộ nghèo ở các thôn đặc biệt khó khăn chiếm trên 30%.
Để nâng cao đời sống cho người dân, những năm qua, xã đã tập trung gia tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác, giảm nghèo bền vững, chủ động bám đất, bám dân và có những định hướng, tổ chức thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả.
Nhiều hộ dân tộc thiểu số ở Vị Xuyên đang thoát nghèo, làm giàu từ cây chè truyền thống. |
Theo đó, người dân xã Cao Bồ tập trung chủ yếu vào phát triển nông nghiệp như cây chè, thảo quả và dược liệu. Bà con xác định phải nhân rộng giống cây chè Shan tuyết mới có thể giúp mình làm giàu bằng sức lao động chân chính.
Gia đình anh Đặng Văn Chiến là một trong số nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao ở Cao Bồ “đổi đời” nhờ cây chè. Anh cho biết, gia đình triển khai mô hình trồng chè từ năm 2013, và thời gian đầu phải đối mặt với không ít khó khăn.
Tuy nhiên, nhờ có sự đồng hành của địa phương, sự chủ động trong hoàn thiện khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là khi thương hiệu chè Shan tuyết ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết tới, hiệu quả từ cây chè liên tục được cải thiện, giá trị tăng mạnh.
Theo ước tính, mỗi tháng, gia đình anh Chiến bán được khoảng 1 tấn búp chè. Mỗi năm, cây chè Shan tuyết mang về cho gia đình anh từ 150 - 200 triệu đồng sau khi đã trừ đi các chi phí chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và vận chuyển.
“Chè Shan tuyết tại đây là hoàn toàn tự nhiên, không dùng phân bón, nên có hương vị thơm ngon đặc trưng, là niềm tự hào của người dân địa phương”, anh Chiến nói.
Không chỉ có Cao Bồ, nói đến trà Shan tuyết không thể không nhắc tới sản phẩm của HTX Tây Côn Lĩnh, xã Thượng Sơn. Sản phẩm của HTX không chỉ được tiêu thụ tại thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài.
Bà Phạm Thị Minh Hải, Giám đốc HTX Tây Côn Lĩnh cho biết, HTX được thành lập năm 2014, với 32 thành viên, kết hợp "4 nhà" (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp), ngành nghề chính là sản xuất, chế biến các sản phẩm từ chè Shan tuyết cổ thụ trồng trên dãy núi Tây Côn Lĩnh.
HTX Tây Côn Lĩnh hiện đã thực hiện liên kết với với các gia đình có chè Shan tuyết cổ thụ để mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất lên hơn 600 ha, đồng thời đứng ra bao tiêu 100% sản phẩm cho các thành viên và hộ liên kết.
Tạo dấu ấn niềm tin
Có trụ sở chính đặt tại thôn Vằng Luông, xã Thượng Sơn, song HTX Tây Côn Lĩnh đang hoạt động rộng trên địa bàn toàn huyện Vị Xuyên, với một mạng lưới hàng trăm hộ liên kết.
Liên kết là chìa khóa giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Vị Xuyên nâng cao năng lực sản xuất, tăng thu nhập. |
Đơn cử, trước đây, gia đình anh Đặng Văn Giang và hơn 50 hộ dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Tày, Nùng, Dao) ở thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến mỗi khi đến vụ thu hoạch là “lo ngay ngáy” vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm chè.
Tuy nhiên, từ khi tham gia vào HTX Tây Côn Lĩnh, anh Giang cùng bà con trong thôn không chỉ giải hết “bài toán” thị trường cho sản phẩm, mà còn được hướng dẫn về cách thức thu hái chè để đảm bảo chất lượng, phương pháp chăm sóc, đốn tỉa cây chè sau khi thu hoạch để cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Sản phẩm chè khi thu hoạch về sẽ được HTX thu mua với giá cả ổn định, thường cao hơn giá thị trường 10 - 30%. Có nguồn thu nhập, anh Giang cùng bà con trong thôn cũng thêm yên tâm gắn bó hơn với cây chè.
Đến nay, nhiều dòng trà của HTX Tây Côn Lĩnh như Hồng Trà, Trà Trắng, Trà Phổ Nhĩ ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường, trong đó có những sản phẩm như trà Bạch Mi Tiên Cô, trà Hồng Shan, trà Lạc Hồng, Lạc Việt.
Sản phẩm của HTX Tây Côn Lĩnh được tin dùng, mở rộng tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có những thị trường khó tính và yêu cầu cao về chất lượng như Nhật Bản, Pháp.
Cùng với HTX Tây Côn Lĩnh, hiệu quả của HTX Chè Chốt 468, xã Thanh Thủy cũng là minh chứng cho thấy liên kết là chìa khóa giảm nghèo, làm giàu bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Vị Xuyên.
Ông Lý Văn Phúc, Giám đốc HTX cho biết, đến nay, HTX có tổng diện tích sản xuất đạt trên 31 ha (cả trồng mới và cải tạo). 100% sản phẩm được HTX đứng ra thu mua với giá 18.000 - 19.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, thành viên hái 1 vụ và HTX đứng ra thu mua với số lượng khoảng 7 tạ chè tươi phục vụ chế biến.
Để phát triển lâu dài, HTX Chè Chốt 468 đang tập trung tuyên truyền, vận động thêm nhiều bà con cùng tham gia mô hình liên kết, phấn đấu từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các thành viên, góp phần tích cực vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương.
Rõ ràng, những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo đang góp phần giúp cuộc sống của cộng đồng người dân tộc thiểu số ở vùng cao Vị Xuyên thực sự đổi thay từng ngày.
Đặc biệt, điều mà người dân hoàn toàn tin tưởng là chính quyền địa phương và nhân dân sẽ chung sức vận dụng sáng tạo mọi nguồn hỗ trợ để giải quyết khó khăn, làm thay đổi mạnh mẽ đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi địa đầu Tổ quốc.
Mỹ Chí
Bài 2: Phát huy thế mạnh lâm nghiệp