Hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã và đang mở ra hướng đi mới, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình vùng biên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi “cách nghĩ, cách làm”, nâng cao giá trị sản xuất.
Chính quyền luôn đồng hành
Sau 5 năm thực hiện, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Buôn Đôn với tổng kinh phí hơn 105 tỷ đồng đã tiếp sức cho hàng nghìn hộ dân triển khai thành công nhiều mô hình sản xuất thông qua 258 tiểu dự án, góp phần đa dạng sinh kế cũng như phát triển liên kết thị trường.
Buôn Đôn đang thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. |
Thông qua dự án, người dân trên địa bàn huyện được hỗ trợ thành lập 205 nhóm cải thiện sinh kế nhằm liên kết các hộ có cùng mục tiêu và loại hình trồng trọt hoặc chăn nuôi…, trong đó 44 tổ nhóm là tổ nhóm liên kết thị trường.
Đến nay, đã có trên 8.000 hộ tham gia dự án, trong đó gần 4.000 hộ được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động sinh kế, điển hình như hỗ trợ con giống (bò, dê, heo, gà…), cây giống (lúa, ngô, gấc, đinh lăng, đậu…), vật tư nông nghiệp và tập huấn kỹ thuật canh tác, chuyển giao khoa học - công nghệ.
Sự đồng hành của chính quyền địa phương, với các chính sách hỗ trợ thiết thực đang tạo điểm tựa vững vàng cho người dân, đặc biệt là các hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tự tin chuyển đổi sản xuất, ổn định thu nhập.
Gia đình bà H’Tdri Byă ở buôn Knia 1, xã Ea Bar là một trong nhiều hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn được hỗ trợ bò theo Chương trình 135 của Chính phủ.
Trước đây, gia đình bà H’Tdri Byă thuộc diện hộ nghèo của xã, cuộc sống chỉ trông chờ vào 4 sào rẫy nên thiếu thốn đủ bề. Năm 2010, gia đình được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò mẹ làm vốn phát triển kinh tế. Sau mỗi năm bò sinh sản, bà đều giữ lại bê cái nuôi làm giống. Hiện, gia đình bà đang có 3 bò mẹ sinh sản.
“Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay, gia đình tôi không những vươn lên thoát nghèo, mà mỗi năm còn để dành được khoảng 30 triệu đồng từ nguồn bán bò thịt và phân bò”, bà H’Tdri Byă bộc bạch.
Tương tự, gia đình anh Y Bhô ở buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl là một trong số 17 hộ nghèo người dân tộc thiểu số của xã được cấp 4,4 sào đất sản xuất theo Quyết định 755 của Chính phủ vào năm 2014.
Sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng do xã tổ chức, anh Y Blô đã mạnh dạn mua giống cà phê, sầu riêng cao sản về trồng. Lấy ngắn nuôi dài, anh còn trồng xen các loại cây ngắn ngày như ngô, đậu trong rẫy cà phê, mỗi năm thu nhập khoảng 50 triệu đồng.
Sản xuất theo hướng hàng hóa
Hay như gia đình anh Y Ken, người M’nông, buôn Trí B, xã Krông Na, nhờ được hưởng lợi từ đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện Buôn Đôn, hiện đang làm chủ mô hình trồng cây ăn trái có múi với quy mô trên 2 ha.
Hiệu quả chuyển đổi giúp nông dân trên địa bàn huyện xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. |
Anh Y Ken cho hay, năm 2017, được hỗ trợ giống cây cam, quýt, bưởi, phân bón, anh đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn tạp của gia đình sang phát triển mô hình trồng cây ăn trái có múi theo hướng hàng hóa.
Sau 3 năm canh tác, nhờ nắm vững kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả kiến thức được học, các loại cây trồng của gia đình anh Y Ken đều sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Kể từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình anh thu về trên 200 triệu đồng.
Có thể thấy, quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên địa bàn huyện Buôn Đôn đang mang lại kết quả tích cực, tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững, đòi hỏi chính quyền và người dân các địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, gắn vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ, bắt kịp xu thế hội nhập.
Ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho biết, Buôn Đôn là vùng đất có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra mưa lũ, hạn hán, đất đai cằn cỗi khiến ngành nông nghiệp luôn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, huyện đã đẩy mạnh triển khai các đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển kinh tế trang trại, thực hiện thí điểm các mô hình cây trồng phù hợp với chất đất của từng địa phương, đặc biệt là các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Xác định vấn đề đầu ra cho nông sản vẫn đang là khó khăn lớn nhất đối với người dân, các cấp, ngành của huyện đã tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các hộ trong việc tiêu thụ, tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với HTX, doanh nghiệp thu mua.
Ngoài ra, huyện đã và đang tăng cường tập huấn kỹ thuật canh tác đối với từng loại cây trồng, nâng cao khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ của người dân vào sản xuất, nhằm gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Trong thời gian tới, Buôn Đôn chủ trương không mở rộng diện tích các loại cây trồng đã chuyển đổi mà tập trung đẩy mạnh hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng, sản lượng của các loại cây trồng, đồng thời đẩy mạnh khâu quảng bá thương hiệu, tìm kiếm các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản và mở rộng thị trường nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân trong huyện.
Hưng Nguyên
Bài 2: Các HTX khẳng định giá trị