Ê đê là một trong những đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số lượng lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk. Chính vì vậy, việc nâng cao được đời sống của đồng bào Ê đê thông qua mô hình HTX sẽ có sức lan tỏa đến các dân tộc thiểu số khác cũng như người dân của tỉnh.
Gắn giá trị truyền thống với du lịch
Người Ê đê vốn có thế mạnh về truyền thống văn hóa, trong đó phải kể đến nghề dệt thổ cẩm và những ngôi nhà dài truyền thống rất nổi tiếng. Nhưng để người dân sống được với nghề dệt và những ngôi nhà dài thì ngoài nâng cao ý thức, việc gắn với phát triển du lịch là định hướng được tỉnh quan tâm.
Buôn trưởng buôn Akô Đhông (TP. Buôn Ma Thuột), ông Y Pun Niê Bing, cho biết trong buôn có 66 hộ người Êđê, phần lớn đều có cuộc sống khấm khá, đặc biệt là không còn hộ nghèo. Hơn 70% số hộ đều có nhà xây khang trang, có xe hơi, nhưng vẫn giữ lại ngôi nhà dài, cùng những vật dụng truyền thống… Đây chính là điểm nhấn thu hút khách du lịch, phát triển các dịch vụ từ đó đem lại nguồn thu nhập cho người dân.
![]() |
Nhà dài của đồng bào Ê đê thu hút khách du lịch. |
Đồng bào Ê đê ở buôn Akô Đhông (TP. Buôn Ma Thuột) rất tự hào khi bên cạnh những ngôi nhà cao tầng, mọi người vẫn giữ được những nếp nhà dài truyền thống. Nhờ vậy, khách du lịch đến thăm buôn ngày càng đông.
Đạt được kết quả này là nhờ TP. Buôn Ma Thuột đã phát huy được thế mạnh của đồng bào dân tộc Ê đê như hỗ trợ người dân thành lập nhóm sản xuất, câu lạc bộ hoặc HTX nghề dệt. Thực hiện sửa chữa, nâng cấp các ngôi nhà dài, các địa phương cũng giúp người dân phát triển các dịch vụ ăn uống, lưu trú để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Đây là nền tảng giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từ đó góp phần giảm nghèo. Theo UBND TP. Buôn Ma Thuột, năm 2014, toàn thành phố có 656 hộ dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo (chiếm 42% tổng số hộ nghèo của thành phố), đến cuối năm 2020 giảm còn 167 hộ.
Tạo điều kiện phát triển HTX
Rõ ràng, cuộc sống đổi thay của đồng bào Ê đê ở TP. Buôn Mê Thuột đã chứng minh cho sự đúng đắn trong việc gắn những giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch, tạo động lực cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các THT, HTX của đồng bào Ê đê vẫn gặp những khó khăn làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Tiêu biểu như THT dệt thổ cẩm Ê đê ở buôn N’oa xã Cư Huê đang hoạt động tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, do sản phẩm thổ cẩm chủ yếu bán cho khách du lịch hoặc những đơn đặt hàng nhỏ lẻ nên giá trị kinh tế từ nghề dệt chưa thực sự cao. Bên cạnh đó, các HTX đang khó khăn trong nguồn vốn đầu tư, phương pháp sản xuất chủ yếu là thủ công nên không đáp ứng được các đơn hàng lớn.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, bà H’Yam Bkrông, Giám đốc HTX Tơng Bông, cho biết tuy đã gắn phát triển nghề dệt với du lịch nhưng HTX vẫn rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành để mở rộng quy mô, phát triển thị trường và thu hút thêm lao động. Có như thế sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Ê đê mới có thể mở rộng ra khỏi địa bàn Tây Nguyên, đến với các tỉnh, thành và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
"Chúng tôi mong muốn tỉnh có thêm nhiều chính sách hỗ trợ các HTX, THT phát triển, bởi HTX phát triển thì mới có thể thu hút được nhiều đồng bào dân tộc tham gia", bà H’Yam Bkrông nói.
![]() |
Với định hướng phát triển kinh tế tập thể của tỉnh, hy vọng những khó khăn của các HTX, THT có người Ê đê tham gia sẽ được tháo gỡ. |
Ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, các HTX, THT của đồng bào dân tộc Ê đê nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung vốn có xuất phát điểm thấp, phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, vốn góp của các thành viên ít, khó tiếp cận các nguồn vốn vay… Điều này đã dẫn đến hạn chế trong việc đầu tư đổi mới trang thiết bị, máy móc, công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, chế biến. Chất lượng sản phẩm hàng hóa tuy mang giá trị đặc trưng nhưng chưa có tính dịch vụ, sức cạnh tranh trên thị trường thấp.
Xác định vai trò, của kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đối với nền kinh tế của đồng bào dân tộc Ê đê, mới đây Tỉnh ủy Ðắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển KTTT của tỉnh. Mục tiêu quan trọng của Nghị quyết 13 là tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao số lượng, chất lượng hoạt động của HTX, phấn đấu đến năm 2025, 80% HTX hoạt động có hiệu quả, 50% nông hộ tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác, năm 2030, tỷ lệ này tương ứng đạt 90% và 70%
Tỉnh cũng phấn đấu thời gian tới, 100% hộ đồng bào dân tộc Ê đê được tuyên truyền và nhận thức đầy đủ về mô hình HTX, THT. Đồng thời, thu hút khoảng 60% đồng bào dân tộc Ê đê tham gia các mô hình kinh tế tập thể.
Theo ông Nguyễn Đình Trung, khi tham gia HTX, người dân sẽ dần dần tháo gỡ được những khó khăn do sản xuất đơn lẻ, nhất là những mô hình HTX dệt thổ cẩm gắn với du lịch. Vì đây là hướng phát triển kinh tế trọng tâm của tỉnh trong 5 năm tới.
Tùng Lâm