Sông Hinh là vùng đất màu mỡ, khí hậu thổ nhưỡng rất tốt để phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả. Có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có ý chí vượt lên thoát nghèo, nhưng cái khó nhất của người DTTS nơi đây là nguồn vốn.
Thoát nghèo từ đồng vốn chính sách
Theo kết quả điều tra, rà soát năm 2022 của tỉnh Phú Yên, số hộ nghèo là 1.839 hộ, chiếm 13,3%; cận nghèo 2.515 hộ, chiếm 18,2%. Trong đó, hộ đồng bào DTTS 6.051 hộ với 24.870 người, chiếm 47,9% dân số và chiếm 78,5% tổng số hộ nghèo của huyện. Hầu hết các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện đều tiếp cận vốn vay chính sách để phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Nhiều hộ đồng bào DTTS ở huyện miền núi Sông Hinh đã thoát nghèo nhờ phát triển nông nghiệp chăn nuôi, trồng trọt. |
Anh Nguyễn Trọng Sơn, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh, một nông dân giỏi của huyện nói rằng, nhờ vay vốn chính sách gia đình có vốn để mua cây giống, con giống. Hơn nữa, trồng cây ăn quả thì vốn liên tục chứ không phải đầu tư 1 lần như keo hay mía mì, nên nếu không có vốn thì cũng không dám trồng cây ăn quả. Trồng được cây này rồi thì kinh tế gia đình ổn định hơn, xa dần cái đói, cái nghèo.
Anh kể, năm 2015, gia đình quyết định chuyển đổi 5ha đất rẫy đang trồng sắn mì, keo để trồng cây ăn quả. Các loại cây ăn quả cần phải chăm sóc thường xuyên, bón phân, tưới nước, phòng ngừa sâu bệnh liên tục nên gia đình không biết xoay sở ra sao. Sau đó, anh Sơn tìm đến ngân hàng chính sách xã hội huyện Sông Hinh để vay vốn. Có 50 triệu vốn vay, anh có tiền để mua phân bón, chăm sóc cây. Không phụ lòng người chăm bón, các loại cây như tiêu, café, nhãn, sầu riêng... ngày càng phát triển, đem lại thu nhập tốt cho gia đình với trung bình mỗi năm 200-250 triệu đồng.
Một trường hợp khác là gia đình anh Nguyễn Ngọc Quốc thôn Tuy Bình, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh đã mạnh dạn vay vốn, áp dụng có hiệu quả mô hình nuôi Chồn Hương. Đến nay, đã trở thành điển hình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo của địa phương.
Anh Quốc nhớ lại, năm 2018, gia đình đã vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách. Với số vốn trên cộng thêm tiền tích cóp của gia đình qua các năm, anh đầu tư xây dựng chuồng trại với kích thước khoảng 100m2 và mua 3 con giống Chồn Hương về nuôi.
Trong quá trình chăn nuôi, đã tích cực tham gia một số lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi và chăm sóc Chồn Hương đồng thời tìm tòi nghiên cứu, học hỏi các kinh nghiệm từ Internet và những người đi trước nên đàn Chồn Hương của anh luôn khỏe mạnh, ngày một tăng lên.
Đến nay đàn Chồn Hương của gia đình ngày càng phát triển, mỗi kg Chồn Hương có giá bán từ 1.500.000 - 1.800.000 đồng, đem lại nguồn thu cho gia đình mỗi năm hàng triệu đồng. Ngoài nuôi chồn, anh còn làm ruộng, nuôi thêm gà, bò nhằm cải thiện đời sống của gia đình… Từ khi xây dựng mô hình nuôi Chồn Hương đã giúp gia đình anh cải thiện cuộc sống của gia đình mình.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn, bên cạnh những nỗ lực vươn lên của nhiều tập thể, cá nhân kể trên thì tỉ lệ hộ nghèo của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Sông Hinh vẫn còn ở mức tương đối cao, đòi hỏi chính quyền địa phương cần nhiều giải pháp hơn nữa.
Hiện nay, huyện Sông Hinh có khoảng 13.813 hộ, 52.000 người. Theo kết quả điều tra, rà soát năm 2022, số hộ nghèo là 1.839 hộ, chiếm 13,3%; cận nghèo 2.515 hộ, chiếm 18,2%. Trong đó, hộ đồng bào DTTS 6.051 hộ với 24.870 người, chiếm 47,9% dân số; hộ nghèo DTTS chiếm 78,5% tổng số hộ nghèo của huyện.
Trong bối cảnh đó, các chính sách hỗ trợ người DTTS phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo càng được huyện chú trọng. Riêng Phòng LĐ-TB-XH huyện Sông Hinh đã tổ chức trao 25 con bò sinh sản với tổng giá trị 450 triệu đồng cho 25 hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo ở 7 xã trên địa bàn huyện để chăn nuôi phát triển kinh tế.
Lãnh đạo huyện Sông Hinh, cho biết: Trên địa bàn huyện có 22 dân tộc cùng sinh sống, với 47,9% là người DTTS. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của bà con vùng đồng bào DTTS, vùng miền núi có nhiều đổi thay sâu sắc. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, đời sống kinh tế của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo, hộ tái nghèo còn cao. Trước thực trạng đó, huyện đã triển khai nhiều dự án, chương trình giúp bà con có kế sinh nhai, thoát nghèo bền vững từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, huyện Sông Hinh phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 4%; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; trên 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp…
Dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với những chính sách hợp lòng dân, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương. Đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên bằng chính năng lực nội sinh của mình, tin rằng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện miền núi Sông Hinh sẽ ngày một phát triển, đẩy lùi cái đói, cái nghèo khỏi cuộc sống.
Trà My