Hiện nay, nhiều chính sách được ban hành đã tạo cơ hội cho các HTX phát triển. Điển hình như Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đạt tiêu chí 13, xã phải có HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 và có mô hình liên kết sản xuất bền vững. Từ đó, bắt buộc các địa phương phải thành lập mới và đầu tư nâng cao chất lượng HTX.
Nhân rộng mô hình HTX
Chị Niê Blu Nhung ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) có 30ha đất rẫy trồng keo, mía, sắn, cây ăn trái, giúp chị có nguồn thu ổn định, tuy nhiên không mang lại hiệu quả kinh tế cao bằng đầu tư chuyên canh.
"Mặc dù muốn trồng diện tích lớn, vừa dễ đưa máy móc vào trồng chuyên canh, vừa cho hiệu quả kinh tế cao nhưng do vốn ít, lại không có mối liên kết tiêu thụ nên tôi vẫn phải sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Cây sắn, mía tuy có nhà máy tiêu thụ tại địa phương nhưng diện tích đã vượt quá quy hoạch nên không thể mở rộng thêm, hơn hết cây mía đang gặp khó khăn về giá. Nếu chính quyền có định hướng cây trồng mới và kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, bảo đảm đầu ra ổn định cũng như có chính sách trợ giá khi gặp rủi ro thì bà con mới có thể làm giàu từ nông nghiệp", chị Niê Blu Nhung nói.
Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Sở KH-ĐT khảo sát các hộ trồng cây ăn trái ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) tiến tới thành lập HTX nông nghiệp ở đây. (Ảnh: Int). |
Để người dân có thể tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và bao tiêu đầu ra sản phẩm, huyện Sông Hinh đã thành lập thêm một số các HTX.
Địa phương vừa thành lập mới 2 HTX, nâng tổng số HTX mới thành lập lên 5 HTX. Đó là HTX Nông lâm nghiệp, kinh doanh dịch vụ tổng hợp Thượng Sơn ở xã Sơn Giang, HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp An Phú xã Đức Bình Tây, HTX Nông nghiệp và kinh doanh Tiến Đạt ở xã Ea Bar, HTX Sản xuất nông nghiệp hữu cơ Tân Tiến ở xã Ea Ly, HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Sông Hinh ở xã Sông Hinh.
Các HTX này đã bắt đầu triển khai một số dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế như thủy lợi nội đồng, cung ứng lúa giống, kinh doanh phân bón và làm mô hình sản xuất. Theo lãnh đạo Huyện, việc cho ra đời các HTX mới nằm trong chương trình đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).
Trong đó, các xã NTM và các xã đăng ký về đích sẽ được ưu tiên thành lập HTX. Huyện trích ngân sách hỗ trợ 5 triệu đồng/HTX để thành lập mới HTX.
Đại diện HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp An Phú xã Đức Bình Tây chia sẻ: Năm 2018, từ nguồn vốn phát triển ngành nghề nông thôn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giúp các HTX hoàn thiện hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh sản xuất…
“HTX được hỗ trợ vốn để mua thiết bị máy móc phục vụ các thành viên HTX sản xuất, cùng với đó, tìm thị trường bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, đời sống của các thành viên HTX ngày càng khá hơn”, Đại diện HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp An Phú xã Đức Bình Tây cho biết.
Còn nhiều thách thức
Theo Liên minh HTX tỉnh, so với giai đoạn 2010-2015 thì giai đoạn 2016-2020, nhiều chính sách được ban hành đã tạo cơ hội cho các HTX phát triển. Trong đó, Quyết định 1980/QĐ-TTg là một điển hình.
Hoạt động hiệu quả của các HTX miền núi không chỉ giúp địa phương xây dựng NTM mà còn giúp người dân nâng cao thu nhập từ những sản phẩm đặc trưng. |
Hiện nay, ở Sông Hinh, nhiều HTX đã xây dựng được sản phẩm độc quyền cũng muốn sản phẩm đơn vị mình trở thành đại diện ở địa phương. Ông Trần Ngọc Phú, Giám đốc HTX Ea Bar Emi Farm (huyện Sông Hinh), chia sẻ: Sản phẩm hạt sa chi rang, sấy của HTX đã có mặt trên thị trường. Đơn vị mong muốn nông sản này được chọn làm sản phẩm của xã Ea Bar để có thêm cơ hội mở rộng vùng sản xuất, mở rộng thị trường và tiếp cận nhiều hơn với các kênh tiêu thụ cao cấp.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Mới đây, thành phần kinh tế tập thể được Chính phủ phê duyệt tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò của HTX, THT trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM vùng miền núi.
Đi cùng với những cơ hội sẽ là thách thức không hề nhỏ với các HTX, nhất là khi năng lực nội tại của các HTX ở vùng miền núi của tỉnh nhìn chung còn yếu. Nguồn vốn và nhân lực chất lượng cao hạn chế, hoạt động chủ yếu theo phương thức sản xuất cũ với quy mô nhỏ lẻ, lạc hậu…
Cũng theo ông Lam, để giải quyết tình trạng này cần tập trung giải quyết hai khó khăn căn bản của các HTX vùng miền núi hiện nay, đó là hình thức sản xuất và thị trường tiêu thụ.
“Thời gian qua, chúng tôi sẽ cùng với Sở NN-PTNT, Sở Công thương… hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm chuỗi liên kết sản xuất tại các HTX, trong đó có cả các HTX ở vùng miền núi. Từ đó, góp phần đưa khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, thay đổi hình thức sản xuất cũ đã lạc hậu, tạo cơ hội cho nông sản của vùng miền núi tiếp cận rộng hơn với thị trường, từng bước củng cố lòng tin của người dân vào mô hình HTX kiểu mới...”, ông Lam nói.
Hoàng Hà