Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, địa phương đang quy hoạch vùng trồng cây ăn trái, từng bước xây dựng chuỗi liên kết giá trị nông sản theo hướng hàng hóa, gắn với sản phẩm làng nghề để có thêm nhiều kênh tiêu thụ thay vì chỉ làm nguyên liệu thô cho nhà máy chế biến.
Hiệu quả từ áp dụng kỹ thuật mới
Theo ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, vùng miền núi có diện tích sản xuất lớn là tiềm năng thu hút các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Mới đây nhất, Hợp tác xã (HTX) Ea Bar Emi Farm xây dựng thương hiệu hạt sa chi sạch tại huyện Sông Hinh.
HTX Ea Bar Emi Farm xây dựng thương hiệu hạt sa chi sạch tại huyện Sông Hinh. |
Theo ông Trần Ngọc Phú, Giám đốc HTX Ea Bar Emi Farm (huyện Sông Hinh), ông từng là hộ sản xuất nông nghiệp nhỏ, hàng chục năm gắn bó với cây cao su, sắn, cà phê… nhưng do giá cả bấp bênh, thời tiết bất thường và sâu bệnh khiến thu nhập gia đình ông không ổn định. Từ đó, ông mạnh dạn chuyển sang cây trồng mới là cây sa chi và áp dụng kỹ thuật sản xuất mới, dùng phân hữu cơ được ủ từ cá tạp, phân chuồng, rác thải trộn với chế phẩm sinh học emina bón cho cây trồng.
Ông Phú cho biết, hạt sa chi sạch của gia đình ông được Công ty CP Sacha inchi Việt Nam thu mua. Nhưng do sản xuất nhỏ quy mô hộ gia đình nên không đáp ứng yêu cầu sản lượng, nếu đi mua gom các hộ khác thì chất lượng không đồng đều, không đảm bảo sa chi sạch, còn bán cho các đại lý, tư thương thì lặp lại tình trạng bị ép giá.
"Tôi nhận thấy chỉ có làm chủ được chuỗi sản xuất từ trồng, chế biến, đóng gói thành phẩm mới chủ động được trên thị trường. Muốn vậy phải vận động các hộ vào HTX cùng làm, giải quyết được vấn đề sản xuất nhỏ lẻ và đầu ra tiêu thụ", ông Phú nói.
Tháng 8/2019, HTX Ea Bar Emi Farm được thành lập. Sau 2 tháng hoạt động, HTX có diện tích sản xuất 12ha gồm 6ha của 7 hộ ở xã Ea Bar và 6ha của 3 hộ ở xã Ea Ly, có máy tách hạt và rang sấy sa chi.
Ông Ngô Văn Tịnh, thành viên HTX cho biết, gia đình ông có 1ha trồng được trung bình 2.000 gốc sa chi, cho sản lượng 4kg hạt/cây, với giá hiện nay từ 40.000-50.000 đồng/kg, cho lãi 70 triệu đồng/ha. So với trồng sắn, mía, thu nhập từ cây sa chi cao hơn 40 triệu đồng/ha. Đặc biệt, trồng sa chi bằng phân hữu cơ thay vì phân, thuốc hóa học như trước đây, nên an toàn với sức khỏe và bảo vệ môi trường sinh thái.
Vườn ổi của gia đình bà Phạm Thị Thúy ở buôn Trinh, xã Ea Bar cũng được HTX Ea Bar Emi Farm hướng dẫn sử dụng vi sinh và hữu cơ để chăm bón. Nếu như trước đây ổi chỉ ra theo mùa thì nay cây cho trái quanh năm. Quả ổi ngọt, ít hạt lại được chăm sóc theo mô hình hữu cơ nên khách hàng ưa chuộng. Bình quân mỗi ngày, bà Thúy có thu nhập từ 300 đến 500 nghìn đồng từ bán ổi.
Phát triển mô hình THT
Theo UBND tỉnh Phú Yên, vùng miền núi trên địa bàn tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch dịch vụ. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư cho vùng này thông qua xây dựng hạ tầng cơ sở đường, điện, nhà văn hóa, các công trình nước… hỗ trợ sản xuất nâng cao đời sống người dân, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đa dạng của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây chính là nền tảng thuận lợi giúp các địa phương miền núi nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng sẵn có để phát triển.
Các thành viên THT luôn “nói không” với các loại thuốc hóa chất, thuốc kích thích độc hại. |
Có thể thấy, mô hình kinh tế tập thể, HTX ở Phú Yên đang có chiều hướng phát triển tốt. Đặc biệt, thời gian qua, phong trào trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện Sông Hinh phát triển mạnh, với các loại cây trồng chủ yếu như cam, bưởi, sầu riêng, quýt, bơ booth, mít thái… tạo tiền đề để huyện thành lập thêm các THT tạo việc làm cho hàng trăm lao động, giúp hàng chục hộ nghèo có cuộc sống ổn định.
Ông Nguyễn Văn Thùy, thành viên THT trồng cam ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, cho biết, ở huyện Sông Hinh, có rất nhiều mô hình trồng cam, bưởi và các loại trái cây khác mang lại hiệu quả cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Trong đó, mô hình trồng cam, bưởi da xanh của anh Võ Minh Tuấn đạt hiệu quả cao nhờ áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc khoa học, hợp lý; sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, được người tiêu dùng đánh giá cao và trở thành đặc sản của địa phương.
UBND huyện cũng vừa tổ chức hội nghị đánh giá và thống nhất sản phẩm cam sành, cam V2 và bưởi da xanh của hộ anh Tuấn đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện và đề nghị tỉnh xem xét, công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh.
Gia đình anh Tuấn và các thành viên THT luôn “nói không” với các loại thuốc hóa chất, thuốc kích thích độc hại. Thay vào đó, họ tuân thủ cách chăm sóc, bón phân phù hợp; có biện pháp phòng trừ sâu bệnh một cách hợp lý. Do vậy, sản phẩm của THT luôn được các thương lái và người tiêu dùng “săn đón”.
Từ các mô hình nông lâm kết hợp chuyển đổi một số cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, huyện Sông Hinh đang đẩy mạnh xây dựng các THT như THT trồng cam, THT trồng bơ… Đây là tiền đề để phát triển thành HTX sau này.
Hoàng Hà
Bài cuối: Hợp tác xã góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS