![]() |
Nuôi ong lấy mật tại HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp 19/5. |
Tuy nhiên, vẫn còn đó những trăn trở, thách thức để các HTX phát huy thế mạnh của mình dựa trên những tiềm năng sẵn có. Vì vậy, rất cần có những cơ chế đặc thù, bám sát tình hình thực tiễn, căn cứ vào những điều kiện vốn có và sự quan tâm, sát sao của chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành chức năng.
Sản xuất theo chuỗi giá trị
Liên minh HTX Việt Nam nhận định, vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều tiềm năng, lợi thế, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, nhưng lại là vùng có điều kiện khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, kinh tế-xã hội phát triển chậm. Việc hình thành mô hình kinh tế tập thể, HTX là rất phù hợp.
Tại Quảng Bình, phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị đang được lãnh đạo tỉnh hướng đến nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa vùng đồng bào DTTS và miền núi với các địa phương khác trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp quan trọng của kinh tế tập thể.
Đến nay, UBND tỉnh công nhận kết quả đánh giá, phân hạng 33 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (33 sản phẩm OCOP 3 sao) thuộc Chương trình OCOP năm 2020. Riêng với 2 huyện miền núi Tuyên Hóa và Minh Hóa, nơi có đồng bào DTTS sinh sống nhiều có 3 sản phẩm.
Các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ trang trí của HTX mây tre đan Vân Sơn (xã Kim Hóa) là một trong 3 sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của huyện miền núi huyện Tuyên Hóa. Ông Lê Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX mây tre đan Vân Sơn khẳng định, HTX đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương, trong có một số hộ nghèo, người DTTS có thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, kể từ khi sản phẩm mây tre đan Vân Sơn được chứng nhận “thương hiệu” OCOP đã giúp HTX mở rộng thị trường sang một số tỉnh của nước bạn Thái Lan, Lào và rất được ưa chuộng. Nhờ đó, đời sống của các thành viên HTX và nhiều hộ dân trong xã nâng cao.
Huyện Tuyên Hoá là địa phương có thế mạnh về diện tích đất rừng lớn, rất thích hợp cho việc nuôi ong lấy mật. Nhiều năm trở lại đây, thương hiệu “mật ong Tuyên Hóa” đã dần khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Sản phẩm mật ong của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp 19/5, đóng trên địa bàn xã Thanh Hóa là một trong 3 sản phẩm trên địa bàn huyện được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019.
Ông Hoàn Ngọc Nhân, ở thôn 4, xã Thanh Hóa chia sẻ, hầu hết bà con trong thôn là người dân tộc Mã Liềng, chủ yếu sống bằng nghề nuôi ong, nhưng vì làm nhỏ lẻ lại thiếu kinh nghiệm nên sản lượng mật ong thấp, giá bán không cao. Từ khi tham gia HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp 19/5, được tập huấn cách nuôi, chăm sóc để cho lượng mật giá trị cao, đến nay người nuôi có thu nhập 3 triệu đồng/đàn/năm. Nuôi ong đã trở thành nghề thu nhập chính của gia đình nhiều hộ trong xã.
Tiềm năng để phát triển nghề nuôi ong lấy mật rất lớn, do đó huyện Tuyên Hóa đang khuyến khích các hộ dân tiếp tục duy trì và phát triển, tập trung theo hình thức kinh tế hợp tác, HTX.
“Cú hích” cho phát triển HTX
Tuy nhiên, cái khó của các HTX hiện nay là nguồn nhân lực, nguồn vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật cho đến khâu marketing, quảng bá sản phẩm, tìm thị trường đầu ra. Vòng tròn luẩn quẩn này khiến không ít HTX dù đã có nhãn hiệu, xây dựng được thương hiệu, thậm chí được công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh, nhưng vẫn chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều, chưa thực sự tạo được "cú hích" đột phá.
![]() |
HTX mây tre đan Vân Sơn xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. |
Ông Lê Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX mây tre đan Vân Sơn chia sẻ, việc nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp tục mở rộng thị trường là mong muốn lớn của HTX, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn. “Các vấn đề về vốn để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường khâu quảng bá, giới thiệu, đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu khách hàng... đang là “vật cản” trước mắt của HTX”, ông Sơn cho hay.
Nhiều HTX thậm chí "an phận", chấp nhận tiêu thụ thị trường trong xã, huyện, nhỏ lẻ, manh mún và tự "bó hẹp" trong tiêu chuẩn của chính mình. Kéo theo đó, chất lượng sản phẩm ít được cải thiện, mức sống của người lao động chưa được nâng cao, sản phẩm khó được nâng tầm.
Đại diện Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình cho biết, sản phẩm của một số HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, nhưng việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị đang còn hạn chế, chỉ một số ít các cơ sở thực hiện liên kết chuỗi (thực hiện liên kết từ hai phía), còn lại các cơ sở đều thực hiện ký hợp đồng thu mua nguyên liệu (không phải là liên kết chuỗi).
Một số sản phẩm mới sản xuất nên quy mô, số lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Khả năng tiếp thị, quảng bá sản phẩm đang còn hạn chế, sản phẩm sản xuất ra đa số còn bán dưới dạng nhỏ lẻ, bán cho người dân, công tác kế toán chủ yếu theo thời vụ do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ. Bộ phận kinh doanh chủ yếu theo hình thức kiêm nhiệm, chưa có đội ngũ chuyên trách.
Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình cho biết, thực tế cho thấy, sản phẩm chủ lực của các HTX miền núi thường khá đơn điệu, hàm lượng áp dụng khoa học công nghệ thấp, sức cạnh tranh yếu, mẫu mã bao bì thiếu hiện đại, chưa tiện lợi và thiếu sức hấp dẫn người tiêu dùng.
Để đẩy mạnh phát triển các HTX, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình sẽ rà soát lại số lượng HTX trong toàn tỉnh để đề xuất giúp đỡ tháo gỡ những khó khăn của HTX. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế chính sách và nguồn lực, đặc biệt quan tâm các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, các HTX nông nghiệp sạch...
Bên cạnh đó, thường xuyên đẩy mạnh việc kêu gọi doanh nghiệp, HTX tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nông nghiệp, nhất là tại các vùng sản xuất tập trung, qua đó giúp HTX trên địa bàn hoạt động ổn định, hiệu quả. “Liên minh HTX tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh như hội chợ xuân, hội chợ hàng tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh”, ông Thởi thông tin.
Nhiệm kỳ mới của Liên minh HTX tỉnh và việc triển khai đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ mở ra những cơ hội mới cho các mô hình kinh tế tập thể vùng miền núi, đặc biệt là về nguồn nhân lực, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường… Qua đó, giúp các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát huy vai trò trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động và dịch vụ hỗ trợ sản xuất của kinh tế hộ.
Hoàng Hà