Ở tỉnh Quảng Ninh, đồng bào dân tộc thiểu số phân bố rải rác, chiếm 85% diện tích toàn tỉnh. Sinh kế chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số là các hoạt động sản xuất nông nghiệp, du lịch. Tuy nhiên, kể từ khi nhận được sự quan tâm của địa phương, các HTX đã chú trọng ứng dụng công nghệ mới để tiếp cận thị trường và hạn chế các tác động tiêu cực từ hiện tượng thời tiết cực đoan.
Cú hích từ khoa học công nghệ
Tiêu biểu như HTX Chu Ka ̣(xã Quảng An, huyện Đầm Hà), chuyên sản xuất nón truyền thống của người Dao. Bên cạnh áp dụng các kinh nghiệm truyền thống, HTX đã thực hiện bán sản phẩm trên kênh fanpage bằng hình thức online. Chính vì vậy, sản phẩm của HTX được khách hàng trên thị trường đón nhận, đặc biệt là khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhiều đoàn khách “phượt” đến khám phá thác Bạch Vân ở xã Quảng An cũng thích thú với sản phẩm của HTX.
Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX Chu Ka còn sản xuất nón theo dây chuyền. Mỗi người một công đoạn, người chuyên vào rừng tìm vật liệu, người chuyên làm khung nón, người hoàn thành các khâu cuối cùng. Theo lý giải của lãnh đạo HTX, làm theo dây chuyền sẽ bảo chất lượng sản phẩm, nhất là sự đồng đều cho lô hàng.
Với số lượng sản phẩm tăng lên và được nhiều người ưa chuộng, nón “Đại Hiệp” của HTX đã theo du khách sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước ở châu Âu. Điều này đem lại niềm vui không chỉ cho riêng người làm nón Quảng An mà cả huyện Đầm Hà.
Hay tại HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn (xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà) phát triển thành công sản phẩm chế biến từ củ cải Đầm Hà. Ngoài đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng việc tham gia các hội chợ, HTX đã hướng dẫn thành viên đăng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo.
![]() |
Sản phẩm củ cải sấy Đầm Hà được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của các đơn vị thu mua. |
HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn cũng đầu tư hệ thống dây chuyền sấy khô các sản phẩm củ cải để nâng cao chất lượng sản phẩm và giải quyết bài toán phụ thuộc vào thời tiết. Hiện, HTX cho ra thị trường nhiều sản phẩm như củ cải khô, củ cải phên (củ cải được sấy khô ở một mức độ nhất định), củ cải chua, củ cải mặn, củ cải ngọt, củ cải chua ngọt…
Theo đánh giá của ngành chức năng, việc đưa dây chuyền công nghệ chế biến củ cải ăn liền vào sản xuất tại HTX Trường Sơn đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm củ cải của địa phương, đồng thời tạo thêm sản phẩm mới có giá trị dinh dưỡng cao, mở ra hướng phát triển sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Hiện nay, gần 90% HTX tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến và bán hàng. Đặc biệt, nhiều HTX đã bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử để có thể tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững, chủ động hơn.
Khi được hướng dẫn áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh thông qua mô hình HTX, đồng bào dân tộc thiểu số không còn bỡ ngỡ khi sử dụng các thiết bị kết nối internet. Các thành viên và người dân có thể khẳng định được chất lượng sản phẩm thông qua mã QR trên mỗi sản phẩm.
Anh Lỷ A Tài, Giám đốc HTX Chu Ka, cho biết hiện nay, việc kết nối đối tác, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế đã không còn khó khăn nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là hướng đi kịp thời giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh của HTX đồng thời bảo đảm thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số.
Đồng hành cùng HTX
Những năm gần đây, UBND tỉnh và Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tuyên truyền cho các thành viên HTX, tổ hợp tác và các hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng công nghệ để cập nhật thông tin, giới thiệu, quảng cáo sản phẩm, kiểm tra nguồn gốc sản phẩm cũng như ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động chuyên môn và sản xuất, kinh doanh như: tưới tiết kiệm, ghi nhật ký điện tử, thanh toán điện tử, tìm hiểu kiến thức sản xuất kinh doanh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 đang xảy ra, nhiều HTX đã giúp bà con tiếp cận với hình thức họp trực tuyến, đào tạo trực tuyến, bán hàng online…
![]() |
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh đã làm quen với khoa học công nghệ để đáp ứng nhu cầu thị trường. |
Ông Vũ Công Lực , Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh, cho biết thực hiện mục tiêu để đồng bào dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau, Liên minh HTX tỉnh luôn có trách nhiệm liên kết, dìu dắt, hỗ trợ để họ phát triển bền vững và hội nhập.
Chính vì vậy, Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh đã cùng địa phương thực hiện hỗ trợ các HTX về truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, tích hợp trên bản đồ Google maps về chỉ dẫn địa điểm và nơi sản xuất sản phẩm của HTX để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Nhiều HTX đã thực hiện bón phân, phòng ngừa sâu bệnh, kỹ thuật canh tác và có phần mềm quản lý để hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nhờ ứng dụng công nghệ, các HTX cũng chủ động hơn trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua Hội chợ OCOP, Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP, Hội chợ Tuần văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc hay các hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài nước.
Tùng Lâm