"Gắn sao" cho đặc sản
Từ món ăn đặc sản của của đồng bào dân tộc Thái, chị Lò Thị Thúy, chủ cơ sở sản xuất thịt bò hun khói Thúy Sương, bản Hua Ít, thị trấn Ít Ong đã dành tâm huyết xây dựng sản phẩm thịt bò hun khói đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Để có món thịt bò hun khói thơm ngon, chị Thúy cẩn thận, tỉ mỉ từ lựa chọn thịt, sơ chế, tẩm ướp nhiều loại gia vị, hun, sấy kỳ công. Quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không sử dụng chất bảo quản, hóa chất ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.
“Với mong muốn sản phẩm thịt hun khói đặc sản của dân tộc mình được nhiều người biết đến, tôi đã đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong quá trình xây dựng sản phẩm đạt OCOP, cơ sở được các đơn vị chuyên môn tư vấn để hoàn thiện phương án kinh doanh, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ đánh giá sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm khi tổ chức đánh giá; lập hòm thư điện tử, website, fanpage để quảng bá và tương tác với người tiêu dùng...”, chị Thúy chia sẻ.
Nhiều đặc sản của huyện Mường La có tiềm năng xây dựng sản phẩm OCOP. |
Từ khi được công nhận OCOP (cuối năm 2020), sản phẩm thịt hun khói của cơ sở ngày càng được nhiều người biết đến, đã có mặt tại nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh và bán ra một số tỉnh, thành phố, như: Lai Châu, Hà Nội, TP.HCM... Năm 2020, cơ sở chế biến, bán được 800 kg thịt bò hun khói, thu lãi gần 400 triệu đồng.
Một sản phẩm OCOP khác của huyện Mường La được nhiều người biết đến là táo đại của HTX Hưng Thịnh, xã Mường Bú. Ông Nguyễn Đình Hướng, Giám đốc HTX Hưng Thịnh cho biết: Hiện nay, HTX có 16ha trồng táo được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất bình quân hằng năm đạt 18- 22 tấn/ha, với giá bán 50 nghìn đồng/kg.
“Sau khi tham gia OCOP và được đánh giá là sản phẩm 3 sao, sản phẩm táo đại đã được cải tiến mẫu tem mác và có mặt tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch trong và ngoài tỉnh, sản lượng tiêu thụ tăng gần 10%. Nhằm cung cấp đủ lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường, trong thời gian tới, HTX sẽ mở rộng thêm diện tích trồng táo đại, thực hiện cải tạo, ghép mắt những cây táo giống địa phương còn lại sang táo đại”, ông Hướng chia sẻ.
Chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu
Ngoài 2 sản phẩm thịt bò hun khói Thúy Sương và táo đại Hưng Thịnh, Mường La còn có sản phẩm tinh dầu sả Java của HTX tinh dầu dược liệu huyện Mường La, gạo nếp tan Ngọc Chiến, du lịch cộng đồng Ngọc Chiến của xã Ngọc Chiến được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng ngày càng có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện gắn với quản lý sản phẩm trên tem điện tử thông minh để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, đặc điểm, chủng loại, giá bán, doanh nghiệp sản xuất...
Bà Mùa Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết, huyện Mường La có 16 xã, thị trấn với 6 dân tộc sinh sống gồm: Kinh, Mông, La Ha, Kháng, Mường, Thái. Là địa phương giàu tiềm năng về đất đai, môi trường, tài nguyên, có thế mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Du lịch cộng đồng đang được các HTX khai thác cũng tạo nên những đột phá trong việc góp phần làm thay đổi đời sống của đồng bào các dân tộc huyện Mường La. |
Đồng thời, đẩy mạnh thành lập mới các HTX, trong đó có định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa; ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm phát triển sản xuất các sản phẩm truyền thống. Song song thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn sự nghiệp và các nguồn vốn khác để đầu tư, hỗ trợ xây dựng sản phẩm đặc trưng. Đặc biệt, tổ chức đánh giá chất lượng sản phẩm cấp huyện nhằm lựa chọn, đề xuất sản phẩm đánh giá cấp tỉnh và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...
Trong những năm qua, huyện Mường La đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, các xã cũng đẩy mạnh việc hướng dẫn đăng ký thành lập mới các HTX, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của 34 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Đáng chú ý, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện chuẩn hóa các sản phẩm theo Chương trình OCOP cấp huyện năm 2020 đối với các sản phẩm: Táo đại Mường Bú, gạo nếp tan Ngọc Chiến, thịt bò hun khói thị trấn ít Ong và đề nghị tỉnh thẩm định, đánh giá, xếp hạng sản phẩm du lịch cộng đồng Homestay Ngọc Chiến làm điểm OCOP cấp tỉnh năm 2020...
Phát triển các HTX gắn với nông nghiệp bền vững, liên kết chuỗi là hướng đi đúng đắn của huyện Mường La. |
Gắn với chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới, nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, huyện Mường La đang tiếp tục đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhất là sản xuất theo quy trình VietGAP, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ các nhà máy chế biến, gắn với phát triển sản phẩm lợi thế; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện xác định tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trọng tâm và phát triển diện tích cây ăn quả, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh. Bên cạnh đó, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung quy mô lớn gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng như VietGAP, GlobalGAP. Thực hiện hỗ trợ giống cây: xoài Đài Loan, dứa, mận hậu, sơn tra, sả cho người dân sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, tập trung gắn với đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển chăn nuôi đại gia súc và hoạt động nuôi trồng thủy sản; phát triển kinh tế rừng, cây sơn tra, cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập cho nhân dân. Mặt khác, chú trọng đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển nông nghiệp xanh gắn với kinh tế du lịch, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông sản địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.
Phạm Duy