Huyện Lục Nam có 27/27 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó 5 xã khu vực III, 80 thôn, bản đặc biệt khó khăn, 13 dân tộc anh em cùng chung sống, nhân khẩu dân tộc thiểu số trên 34.700 người, chiếm 15,17% dân cư. Những năm qua, huyện luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, giúp diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng
Xác định việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại là yếu tố quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội, huyện Lục Nam đã chủ động đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi, nhà công vụ, trường lớp học, nhà văn hóa... từ các nguồn lực, lồng ghép chương trình, dự án trên cùng địa bàn vùng dân tộc thiểu số, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Cơ sở hạ tầng được nâng cấp giúp đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lục Nam cải thiện sản xuất. |
Chỉ trong 5 năm qua, hàng trăm tỷ đồng đã được huyện bố trí để xây mới, duy tu, bảo dưỡng hơn 100 công trình. Đơn cử Chương trình 135 đã hỗ trợ các thôn, xã đặc biệt khó khăn số vốn gần 60 tỷ đồng xây mới 81 công trình giao thông, thủy lợi, trường học và nhà văn hóa. Duy tu và bảo dưỡng nhiều công trình sau đầu tư.
Đáng quan tâm là huyện Lục Nam còn có hàng loạt chính sách kích cầu, hỗ trợ riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn làm đường giao thông nông thôn ngoài mức chung của tỉnh 100 triệu đồng/km, tạo ra phong trào cứng hóa đường thôn, bản nở rộ.
Nhiều công trình nước sạch ở các xã vùng cao như Bình Sơn, Lục Sơn… được đầu tư theo Quyết định 755/QĐ-TTg, 2085/QĐ-TTg của Chính phủ đã hoàn thành, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân, trong đó tỷ lệ cao là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, cơ bản các tuyến đường thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn như Trường Giang, Lục Sơn, Bình Sơn... đã cứng hóa, kết nối với đường liên xã, tỉnh lộ, quốc lộ, tạo thuận lợi cho việc đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đơn cử, trong 2 năm qua, riêng xã vùng cao Vô Tranh, nơi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 1/3 dân cư, đã cứng hóa gần 40 km đường giao thông. Hệ thống chợ tại các xã vùng cao như Chợ Gàng (xã Vô Tranh), Đồng Đỉnh (xã Bình Sơn), Mai Sưu (xã Trường Sơn) được đầu tư xây dựng, góp phần mở rộng cơ hội giao thương.
Bà Hoàng Thị Lượng, dân tộc Tày, xã Vô Tranh, chia sẻ: “Trước đây cứ đến vụ mùa là dân chúng tôi sợ, bởi thu hoạch đúng vào mùa mưa, đường xá lầy lội, chỉ đàn ông mới dám tải hàng nặng, rủi ro tai nạn luôn thường trực. Nay có đường bê tông, vận chuyển an toàn, giao thương thuận lợi, vụ mùa của chúng tôi nhàn hơn hẳn, thu nhập cũng ngày càng được cải thiện”.
Bên cạnh thủy lợi, giao thông, thì hệ thống các trường, lớp học trên địa bàn huyện cũng được đầu tư xây dựng mới, tỷ lệ kiên cố hóa đạt 98%, giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số có thêm điều kiện học tập tốt. Nhiều điểm du lịch như Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (xã Nghĩa Phương), đền Thần Nông (xã Cẩm Lý)… được đầu tư hạ tầng kết nối với tuyến du lịch Tây Yên Tử.
Mục tiêu giảm nghèo bền vững
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Bí thư Huyện ủy Lục Nam, cho hay Đảng bộ huyện Lục Nam đã thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đặc biệt là đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đời sống của người dân trên địa bàn huyện được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. |
Cụ thể, huyện đã hoàn thành vượt 17/17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm dần còn 29,6%, tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 42,2%, thương mại và dịch vụ chiếm 28,2%...
Huyện cũng đã chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như Chương trình 135 về xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cộng đồng cho các xã, thôn, bản.
Các chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được các ban ngành chức năng huyện thực hiện hiệu quả, với tổng nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng, trong đó có hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn hơn 3%. Trong đó, các xã đặc biệt khó khăn tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,98%, bình quân giảm 9,35%/năm, thu nhập bình quân đạt 3.023 USD/người/năm, tương đương 70 triệu đồng/người/năm.
Toàn huyện đã có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 56% số xã, bình quân toàn huyện đạt 15,76 tiêu chí/xã. Có 8 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 1 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao.
Sự đồng hành của địa phương đã và đang tạo thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế - xã hội, nhất là người dân vùng dân tộc thiểu số. Minh chứng như tại xã Lục Sơn, vùng đặc biệt khó khăn của huyện, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 17%. Nhờ được đầu tư các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ gia đình, đảng viên làm kinh tế giỏi.
Bí thư Huyện ủy Lục Nam Nguyễn Thị Kim Dung đánh giá, trong thời gian qua, hiệu quả của các nguồn lực đầu tư giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện rõ rệt, thu nhập của đại bộ phận dân cư nông thôn không ngừng tăng lên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa xã hội ngày càng tốt hơn.
Những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020 là tiền đề quan trọng để cán bộ, nhân dân huyện Lục Nam tiếp tục thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi chỉ tiêu nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025, rút ngắn khoảng cách giữa các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các xã, thị trấn khác trong huyện, đưa Lục Nam phát triển là huyện khá của tỉnh, đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024.
Lệ Chi
Bài 2: Hình thành nông nghiệp hàng hóa